UBND thành phố kiến nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các quận, thị, huyện ủy xây dựng nghị quyết nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đảm bảo trật tự văn minh đô thị.
TTXVN - Gần 1 tháng qua, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Hà Nội được đông đảo người dân và dư luận quan tâm.
Trước đó, Hội nghị triển khai và ra quân được thành phố Hà Nội tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến 30 điểm cầu UBND quận, huyện, thị xã và 579 điểm cầu UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. UBND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản để phối hợp triển khai tới các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn theo nguyên tắc kiên trì, bài bản, tổ chức thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn một, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15 - 28/2/2023). Giai đoạn hai, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ ngày 1 - 31/3/2023). Giai đoạn ba, giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 1/4 đến ngày 1/11/2023).
Đến nay, 100% Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã đã tổ chức lễ ra quân, các đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng Công an, Thanh tra các ngành: Giao thông vận tải, Văn hóa và Thể thao, Quản lý đô thị... phối hợp cùng các lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố tổ chức đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo 197 thành phố xây dựng kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên mạng xã hội Facebook. Fanpage “Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội” đã có Quy trình xử lý thông tin phản ánh của người dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền đảm bảo trật tự trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo 197 quận, huyện, thị xã đã xây dựng 30 kênh tuyên truyền (trên ứng dụng facebook hoặc zalo) để tiếp nhận phản ánh của người dân; qua đó, đã tiếp nhận 158 lượt phản ánh, giải quyết dứt điểm 102 kiến nghị. Đáng chú ý là Ban Chỉ đạo 197 quận Ba Đình, ngoài xây dựng kênh tiếp nhận trên mạng xã hội facebook, đã triển khai ứng dụng Ba Đình Smart để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm.
Các tổ chức chính trị xã hội của thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm tại thôn, tổ dân phố; nâng cao hiệu quả các mô hình vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các câu lạc bộ, phong trào thiết thực tại cơ sở.
Cụ thể, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 120 đoàn viên, thanh niên về an toàn giao thông và ra quân đội hình Giao thông xanh; tổ chức ra quân tuyên truyền dọn vệ sinh môi trường tại các điểm đen về rác thải, thực hiện các mô hình “Cơ quan không rác thải nhựa”, “Văn phòng không rác thải nhựa”, “Trường học không rác thải nhựa”...
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tiếp tục phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn duy trì hoạt động của 168 Đội tự quản bảo đảm trật tự - văn minh đô thị tại 12 quận với 1.362 thành viên; nâng cao chất lượng mô hình “Gia đình hội viên cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây ách tắc và tai nạn giao thông”. Hội Nông dân thành phố tổ chức tuyên truyền tới 86.572 lượt hội viên, phát động đăng ký xây dựng 406 mô hình "Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn".
Ban Chỉ đạo 197 quận, huyện, thị xã tổ chức ký cam kết đối với 66.626 hộ kinh doanh về việc không vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; xây dựng 107 mô hình điểm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; vận động các ban, ngành, đoàn thể chấp hành nghiêm các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian đầu, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tập trung vào các hành vi dừng, đỗ xe dưới lòng đường trái quy định, vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe, chở vật liệu, đất, phế thải gây mất vệ sinh môi trường...
Toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị có kết quả xử lý cao là: quận Hoàng Mai 1.709 trường hợp; Tây Hồ 983 trường hợp, Cầu Giấy 945 trường hợp, Hai Bà Trưng 809 trường hợp, Đông Anh 468 trường hợp...
Toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa... Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: quận Hoàng Mai 1.554 trường hợp, Đống Đa 1.129 trường hợp, Hoàn Kiếm 653 trường hợp, Sơn Tây 140 trường hợp.
Sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, qua thời gian thực hiện, hoạt động này còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền tại một số địa bàn chưa đảm bảo yêu cầu; còn xảy ra tình trạng một số hộ dân không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vào giờ cao điểm vẫn còn tồn tại với các hành vi phổ biến như dừng, đỗ phương tiện trên hè phố, dưới lòng đường không đúng quy định; chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán...
UBND thành phố cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: Hệ thống hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông tĩnh) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến một số hành vi vi phạm không được giải quyết triệt để. Tại địa bàn các quận có mật độ dân cư cao, lưu lượng phương tiện lớn, điểm trông giữ phương tiện ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến tình trạng dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định; đồng thời, làm nảy sinh những điểm trông giữ phương tiện không phép hoặc có phép nhưng vượt phạm vi, loại hình được cấp phép.
Tại điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố thường xuyên xuất hiện các tình trạng: Kẻ vẽ vạch sơn không đúng diện tích cấp phép; sau công tác duy tu, duy trì hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống vạch kẻ đường phục vụ trông giữ phương tiện không được kẻ vẽ lại kịp thời. Tại một số vị trí trông giữ phương tiện sau khi cơ quan chức năng thu hồi giấy phép, đơn vị trông giữ không kịp thời xóa hệ thống sơn kẻ.
Hệ thống biển báo, biển cấm tại một số tuyến phố trên địa bàn còn thiếu, chưa thống nhất dẫn đến việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Số lượng người dân kinh doanh buôn bán dựa vào lòng đường, vỉa hè để mưu sinh lớn. Nhiều trường hợp không có mặt bằng kinh doanh, chỉ kinh doanh trên hè phố và tồn tại từ lâu. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý, giải tỏa còn gặp sự phản ứng của người dân.
UBND thành phố kiến nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các quận, thị, huyện ủy xây dựng nghị quyết nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đảm bảo trật tự văn minh đô thị để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị; trong đó, quy định cụ thể về việc sử dụng lòng đường, hè phố cho phù hợp với tình hình thực tế./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- vỉa hè
- lòng đường
- đô thị
- vệ sinh môi trường