Một số hộ dân thuộc diện di dời đã chặn đường các xe chở rác vào Khu Liên hiệp xử lý chất thải Xuân Sơn do không đồng ý với phương án dự thảo bồi thường.
TTXVN - Mấy ngày nay, người dân Hà Nội lại phải nín thở vì rác thải ứ đọng khối lượng lớn ở nhiều con phố khi bãi rác lớn Xuân Sơn có sự cố, không thể tiếp nhận rác. Thực tế này đòi hỏi, thành phố cần sớm triển khai các giải pháp để không lặp lại tình trạng ùn ứ rác trong tương lai.
* Sớm hướng dẫn chính sách hỗ trợ các hộ thuộc diện di dời
Cách đây ít ngày, một số hộ dân của thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) làm lều bạt chặn đường đi của các xe chở rác vào Khu Liên hiệp xử lý chất thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) thuộc địa phận huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Phóng viên ghi nhận ngay phía cổng bãi rác đoạn tiếp giáp với đường lớn, nhiều hộ dân, trong đó đa phần là phụ nữ trung tuổi làm lều bạt tạm, mang đồ ăn, nước uống, túc trực nhiều giờ để chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn. Ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, chính quyền đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để bãi rác sớm tiếp nhận rác trở lại. Huyện chỉ đạo các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, Công an, UBND xã Tản lĩnh tổ chức đối thoại, gặp gỡ để vận động các hộ dân thôn Hiệu Lực dỡ lều bạt, tạo điều kiện cho xe chở rác vào bãi Xuân Sơn.
Kể từ khi người dân thôn Hiệu Lực tổ chức chặn xe chở rác, để xử lý tình huống trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có thông báo phân luồng tạm thời rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn), thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Cụ thể, huyện Hoài Đức và Đan Phượng vận chuyển một phần rác thải (khoảng 100 tấn/ngày) về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công. Rác thải các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và khối lượng rác còn lại của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (khoảng 693 tấn) vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn.
Đối với lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng ở các điểm tập kết, điểm trung chuyển trên địa bàn các huyện, thị xã, các đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp phun thuốc khử khuẩn, rắc vôi bột… bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế gây ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị đơn vị vận hành bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị, bảo đảm tiếp nhận khối lượng rác bổ sung phân luồng từ các huyện trên về khu xử lý bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường. Theo ông Nguyễn Quang Khuyên, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) của bãi rác Xuân Sơn rộng khoảng 5,6ha có ảnh hưởng tới 28 hộ dân với khoảng 50 thửa đất. Ngày 17/1, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số148/UBND-TNMT về chính sách hỗ trợ khác khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên.
Ngày 18/1, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có văn bản số 443/STNMT-QHKHSDĐ về chính sách hỗ trợ khác khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đối với 28 hộ/50 thửa/5,1 ha chấp thuận hỗ trợ khác bằng một lần giá đất nông nghiệp tại khu đất lòng hồ suối Hai. Diện tích được hỗ trợ là diện tích đất thực tế sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 129 Luật Đất đai. Sau khi có văn bản chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội; Văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 2/2, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Ba Vì đã họp thẩm tra phương án dự thảo. Ngày 6/2, UBND huyện Ba Vì chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tổ chức công khai phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ đối với 28 hộ có đất thuộc dự án kể trên.
Tuy nhiên 28 hộ dân đều không đồng ý với phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Tại các buổi đối thoại trước đó, 28 hộ dân thôn Hiệu Lực đều kiến nghị được hỗ trợ 3 lần giá đất nông nghiệp giống với dự án bãi rác trước đã triển khai. Mặt khác cũng đề nghị được bồi thường đất ở và công trình xây dựng trước thời điểm có thông báo thu hồi đất được hỗ trợ 100% đơn giá theo Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc Ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Trần Quang Khuyên nhấn mạnh, những kiến nghị trên vượt thẩm quyền của huyện. Do đó để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đúng quy định của pháp luật và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân khu vực ảnh hưởng của bãi rác đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo Sở Xây dựng thành phố có hướng dẫn về chính sách hỗ trợ đối với các công trình, vật kiến trúc của các hộ dân.
* Cấp bách xây dựng các khu xử lý rác
Mặc dù Hà Nội đã có kế hoạch phân luồng rác, tuy nhiên tại một số huyện thị phía Tây thành phố như: Ba Vì, Sơn Tây, Cầu Giấy…, có hiện tượng ùn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Lý giải về điều này, đại diện một đơn vị chuyên thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn cho biết, do đường di chuyển của rác rất xa, đơn cử như từ Ba Vì, Sơn Tây vận chuyển rác lên bãi rác Nam Sơn mất mấy chục km, tần suất xe quay vòng chậm, dẫn đến rác không kịp thu gom vận chuyển nên ùn ứ là điều khó tránh khỏi.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 4.000 tấn rác. Bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận xử lý trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Để xử lý rác trong thời gian tới, Hà Nội đã quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 17 khu xử lý chất thải, quy mô mỗi khu từ 4 ha đến 20 ha, công suất xử lý đến 1.200 tấn/ngày đêm. Trong đó, một số khu xử lý đang được thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức).
Việc quy hoạch trên được giới chuyên gia nhìn nhận là phù hợp với sự phát triển của siêu đô thị Hà Nội. Theo Hội Môi trường Đô thị Việt Nam, vấn đề đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các bãi rác. Hà Nội cũng cần đặc biệt quan tâm đến công nghệ xử lý rác là đốt phát điện hoặc ép viên sử dụng vào trong lĩnh vực xây dựng. Hà Nội không thể tiếp tục duy trì xử lý rác theo kiểu chôn lấp vừa tốn diện tích, tiềm ẩn tới môi trường từ nước rỉ rác.
Ông Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học University of Guelph (Canada) từng chia sẻ, đem các công nghệ từ châu Âu về xử lý rác tại các nước châu Á không khó. Thiết bị có thể cho phép đốt hết được cơ bản các loại rác thải nhưng chi phí sẽ rất cao và gây áp lực về khí thải môi trường. Ông Edward McBean chỉ ra, mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho Chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Đặc biệt với Hà Nội, cùng với công nghệ, cần bắt đầu thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, nhất là nhận thức của trẻ em ngay từ việc phân loại rác tại nguồn để giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- bãi rác Xuân Sơn