Môi trường

Hà Nội tích cực xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Hà Nội

Thành phố Hà Nội thực hiện giám sát, kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng.

Rác được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu (huyện Thường Tín). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

TTXVN - Hà Nội là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới trong quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, nhưng cũng đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững của thành phố.

Việc quy hoạch phát triển thành phố chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường, hiểu biết hạn chế của các cộng đồng dân cư, một số khó khăn, vướng mắc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường… đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên và thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội cũng như đối tác.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đơn vị chức năng có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý; phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

Các làng nghề cần sớm được đầu tư hệ thống xử lý môi trường để phát triển bền vững. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các đơn vị liên quan tập trung giám sát đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi; cơ sở hoạt động gây ô nhiễm kéo dài, đảm bảo các cơ sở hoạt động an toàn về môi trường; khảo sát hoặc kiểm tra thực tế tại các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, làng nghề thuộc danh mục làng nghề ô nhiễm môi trường. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai việc thanh, kiểm tra đối với 392 đơn vị, tổ chức; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia Tổ giám sát do Cục Kiểm soát ô nhiễm thành lập khi có yêu cầu; tổ chức giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, xảy ra các sự cố môi trường, cơ sở bị người dân và báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Sở rà soát, đưa vào chương trình, kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư đúng, đầy đủ công trình xử lý chất thải theo quy định; cơ sở có lưu lượng xả nước thải từ 200m3/ngày trở lên; cơ sở xử lý rác thải, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…; đưa vào kế hoạch thanh tra thường xuyên (3 năm liên tiếp) theo quy định tại khoản 2, Điều 162 Nghị định 08/2022/NĐ-CP…đối với cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Lực lượng chức năng cũng tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội. Thành phố đặt mục tiêu chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường, dự báo, kịp thời ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường; giải quyết các điểm nóng gây ô nhiễm, góp phần minh bạch hóa các hoạt động bảo vệ và cải thiện môi trường thu hút đầu tư…./.


Linh Khánh

Tin liên quan

Xem thêm