Xã hội

Hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc và nuôi dạy con tại các khu công nghiệp

TP. Hồ Chí Minh

Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn để hỗ trợ hiệu quả công nhân chăm sóc, nuôi dạy con, nâng cao chất lượng sống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.


Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Sáng 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con" giai đoạn 2023-2028.

Đây là lần đầu tiên vấn đề chăm sóc và nuôi dạy con công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được các bên liên quan ở các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp sát thực, phù hợp để đề án sớm đi vào thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho công nhân lao động vừa đảm bảo đời sống, an sinh xã hội vừa chăm sóc và nuôi dạy con.

Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và quan tâm toàn diện đến gia đình công nhân lao động, con công nhân lao động là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Công đoàn. Việc này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, trẻ em góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, cần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn để hỗ trợ hiệu quả công nhân chăm sóc, nuôi dạy con, nâng cao chất lượng sống, chất lượng nguồn nhân lực tương lai, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Trong đó, tập trung tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ Công đoàn; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Để hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong chăm sóc và nuôi dạy con, ông Nguyễn Hữu Nhân, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách và quỹ đất xây dựng trường mầm non trong khu chế xuất, công nghiệp. Đồng thời rà soát quy hoạch phát triển, bổ sung hạng mục công trình thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống người lao động khu chế xuất, khu công nghiệp.

“Đối với cơ quan có thẩm quyền về giáo dục cần nghiên cứu thêm chính sách về giáo dục, ưu đãi, chăm lo cho giáo viên mầm non do phải chịu nhiều khó khăn, áp lực với cường độ lao động căng thẳng (trung bình khoảng 10 giờ/ngày)", ông Nguyễn Hữu Nhân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai nêu thực trạng, những bất cập ở địa phương. Cụ thể, các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động rất sớm nên không còn quỹ đất; đất trong doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh nếu vận động được doanh nghiệp thì việc chuyển mục đích sử dụng mất rất nhiều công sức, thời gian. Gần 20 năm thực hiện công tác chăm lo con công nhân, người lao động, bà

Nguyễn Thị Tuyết nhìn nhận việc chi hỗ trợ cho con của công nhân hay các hoạt động liên quan thật sự khó bởi vướng nhiều quy định, pháp lý, nhất là việc phối hợp chăm lo cho con công nhân lao động theo các tiêu chuẩn, mục tiêu mà đề án đặt ra.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non để đảm bảo chính sách phù hợp và đi vào thực tiễn; tăng cường giám sát của các cấp có liên quan trong triển khai và thực hiện nội dung Nghị định. Đồng thời sớm triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn, gắn với xây dựng khu nhà trẻ, khu vui chơi cho con công nhân lao động…

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 9/2024, cả nước có 431 khu công nghiệp được thành lập tại 221 đơn vị cấp huyện thuộc 59/63 tỉnh, thành phố. Các khu công nghiệp trên cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động trực tiếp. Trong đó, có 23 tỉnh, thành phố có từ 50.000 lao động trở lên, tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng./.

Phan Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm