Thực tế cho thấy, kỹ năng, kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý, vì vậy, nhu cầu chuyển đổi sinh kế, khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và hậu COVID-19 là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách.
TTXVN - Năm 2023, Việt Nam có hơn 16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm 19,48% tổng dân số. Tính toán theo Cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Công an, quá trình già hóa dân số sẽ kết thúc nhanh hơn, nước ta sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già vào đầu những năm 2030.
Theo nhiều chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng chục triệu người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm mới. Điều đó đặt ra vấn đề rất lớn cho xã hội, nếu phát huy tốt, đây sẽ người cao tuổi sẽ là lực lượng lao động quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
* Khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi trong lao động
Về hưu cách đây 5 năm, bà Hạnh (Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn nhận công việc kế toán cho một công ty tư nhân. Bà Hạnh chia sẻ: Chồng mất đã lâu, con cháu đi làm, đi học hết, ở nhà cũng cảm thấy trì trệ, bà quyết định đi làm. Bà có kỹ năng, kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, công việc không có gì khó khăn. Lương hưu của bà không cao, đi làm vui vẻ, có thêm thu nhập từ, không phải phụ thuộc vào con cháu.
Làm bảo vệ cho một chung cư tại phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Dũng (65 tuổi, quê Yên Bái) nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ông Dũng cho biết, trước đây, ông làm nghề mộc nhưng khi tuổi đã lớn, chuyển sang công việc bảo vệ. Không có lương hưu nên dù mức lương ít, không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, ông không có lựa chọn khác, bởi tuổi này cũng rất khó xin được việc nếu không có người thân quen giới thiệu - ông Dũng chia sẻ.
Đây chỉ là hai ví dụ trong số hàng ngàn lao động là người cao tuổi hiện nay. Khác với quan niệm từ xưa "lão giả an chi" - người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, không phải đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề, khuyến khích khởi nghiệp, thực tế hiện nay lại có nhiều người lao động khi đã về hưu, bước vào giai đoạn cao tuổi vẫn nhiệt huyết, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, tìm tòi chuyển đổi nghề nghiệp, lập nghiệp. Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến năm 2023, Việt Nam có hơn 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh (không kể người cao tuổi làm các công việc gia đình, như chăm sóc cháu nhỏ, làm vườn, công tác xã hội, tình nguyện,…). 50,4% người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 - 69; 19,4% người từ 70 - 79 tuổi vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập...
Cả nước hiện có 221.000 người cao tuổi đang làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ra những sản phẩm có giá trị, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều người cao tuổi đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình. Có thể kể đến: Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu (73 tuổi), sau khi nghỉ hưu theo chế độ, đã tận dụng kiến thức, kinh nghiệm sáng lập Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt. Dù khởi nghiệp vào thời điểm nền kinh tế nước nhà ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, lãi vay ngân hàng cao trên 22%, đại dịch COVID-19, ông đã vượt khó, đưa gốm Đất Việt trở thành nhà sản xuất gạch ngói đất sét nung cao cấp số 1 Việt Nam. Đơn vị này đã thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói Việt Nam đương đại, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.500 lao động, thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Quốc Toàn, 73 tuổi (tỉnh Nam Định), nguyên kỹ thuật viên cơ khí đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng; bà Khánh Toàn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), đã mở 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động…
Tỷ lệ người cao tuổi tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Năm 1999, có 19,40% người cao tuổi là nữ, 35% người cao tuổi nam làm việc, đến năm 2020, tăng lên thành 38% và 46,10%. Giai đoạn 2010-2020, bình quân mỗi năm lao động người cao tuổi tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng tăng khoảng 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước.
* Còn nhiều rào cản
Báo cáo của Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi năm 2020 chỉ rõ: Phần lớn người cao tuổi Việt Nam có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Chất lượng việc làm của người cao tuổi thấp, 58,8% người cao tuổi là lao động giản đơn. Với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn.
Theo số liệu thống kê, 57% người cao tuổi của nước ta không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Đa số người cao tuổi chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội, hoặc thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhu cầu làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình của người cao tuổi nước ta đang là vấn đề đáng quan t
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng chia sẻ: Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, chính sách về khởi nghiệp, dạy nghề, việc làm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết mới đang ở nức chủ trương, chưa có văn bản cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống. Các chương trình, đề án mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, phát huy kinh nghiệm của người cao tuổi. Chính sách khuyến khích người cao tuổi có khả năng, có nhu cầu tiếp tục làm việc mới được thực hiện ở một số đối tượng. Các chính sách lao động việc làm chưa bao quát, thiếu chính sách cho nhóm lao động cao tuổi tham gia vào thị trường lao động; chưa có chính sách đào tạo, đào tạo lại cho lao động trung niên, lao động cao tuổi để chuyển đổi nghề nghiệp hay đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; đặc biệt chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi.
Cũng theo ông Phan Văn Hùng, phần lớn người cao tuổi tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu bởi chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này. Giới hạn tuổi của các nhà tuyển dụng đặt ra thường từ 18-35; nhóm từ 50 tuổi trở lên rất ít cơ hội lựa chọn công việc; từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Ngoài ra, sức khỏe được xem là rào cản lớn đối với lao động cao tuổi. Nhiều người lao động cao tuổi không gặp hạn chế về trí lực, thể lực nhưng vẫn còn những đánh giá theo khuôn mẫu tiêu cực, đó là định kiến về vấn đề tuổi tác, sức khỏe, nếu người cao tuổi làm việc thì đương nhiên sẽ "bị" đánh giá là không thể có được năng suất lao động tốt hay sẽ không bảo đảm chất lượng công việc được như các lao động khác...
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại gần đây là nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2022, cả nước có 4.850.000 người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần (mỗi năm bình quân có tới hơn 800.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần). Sáu tháng đầu năm 2023, cả nước có có 665.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu, trợ cấp xã hội đã thấp, sẽ càng thấp hơn trong thời gian tới; nhiều người không có lương hưu sẽ buộc phải tiếp tục làm việc, mặc dù đã là người cao tuổi.
* Bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội
Thực tế cho thấy, kỹ năng, kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý, vì vậy, nhu cầu chuyển đổi sinh kế, khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và hậu COVID-19 là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách. Việc này vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội, vừa tận dụng được kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Để hỗ trợ người cao tuổi trong việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ- TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021- 2030. Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2022 - 2025, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn 2026 - 2030: Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, ở nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, Bộ đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi (để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Quyết định 2156/QĐ- TTg đã rất rõ ràng, cụ thể, việc cần làm tiếp theo đó là đưa được chủ trương vào cuộc sống. Để làm tốt việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người cao tuổi, trước mắt cần quan tâm đến việc bồi dưỡng kỹ năng phù hợp cho người cao tuổi; xây dựng cơ chế ưu đãi cho lao động người cao tuổi, doanh nghiệp tuyển dụng nhóm lao động này. Về lâu dài cần thiết kế các hệ thống đào tạo nghề, việc làm, học tập suốt đời mang tính mở, linh hoạt để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, trước hết, cần nâng cao nhận thức của xã hội liên quan đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho người lao động cao tuổi. Tiếp đó là xây dựng hệ thống hỗ trợ mở, linh hoạt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú, liên quan đến đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi; dự báo sát thực về nhu cầu đào tạo nghề, ngành nghề phù hợp... Đây là những việc cần là ngay để chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già thời gian tới - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nêu rõ./.