Xã hội

Hỗ trợ người cao tuổi phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng

Người cao tuổi là một trong những đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng. Họ thường dễ tin và trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.

Chuyên gia chia sẻ thông tin về phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

TTXVN - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Cổng thông tin Thánh Gióng (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức chương trình tập huấn “Thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng”.

Chương trình tập huấn sử dụng Cẩm nang An toàn trực tuyến do Google phối hợp với Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC Việt Nam), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, biên soạn. Với kinh nghiệm và uy tín triển khai các chương trình an toàn trực tuyến trên quy mô toàn cầu, trong tài liệu này, Google chia sẻ nhiều kiến thức, công cụ bảo vệ người dùng trên môi trường Internet. Bên cạnh những nội dung hữu ích, cuốn Cẩm nang còn có cách minh họa và trình bày dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Đây là tài liệu được biên soạn nhằm góp phần chung tay với Chính phủ Việt Nam tạo môi trường Internet an toàn, lành mạnh.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước. Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet. Trong đó, người cao tuổi (55 tuổi trở lên) là một trong những nhóm người sử dụng Internet tích cực, chiếm gần 20% tổng dân số sử dụng Internet. Người cao tuổi là một trong những đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng. Họ thường dễ tin và trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo. Mặc dù vậy, hiện nay chưa có chương trình hay nội dung chính thức nào về "kiến thức số" hay "an toàn trực tuyến" dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam.

Cẩm nang An toàn trực tuyến. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Hiểu được nhu cầu thực tế của người Việt Nam, cuối tháng 5/2023, Google đã tổ chức một số buổi phỏng vấn chuyên sâu về an toàn trực tuyến cho thanh niên và người lớn tuổi để tìm hiểu các mối quan tâm về an toàn trực tuyến của các thế hệ, cũng như sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình trong việc hỗ trợ các hoạt động trực tuyến. Kết quả cho thấy thanh niên cũng cần được trang bị thêm kiến thức để tự tin trong việc hỗ trợ ông bà, cha mẹ…

Cùng có chung mục tiêu hỗ trợ thanh niên, người cao tuổi sử dụng Internet an toàn, tại chương trình tập huấn này, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai thí điểm việc đào tạo cho đoàn viên, thanh niên cách sử dụng các công cụ, kỹ năng để đảm bảo an toàn trực tuyến, với mong muốn các bạn trẻ sẽ tiếp tục hướng dẫn người cao tuổi sử dụng mạng Internet an toàn hơn, thu hẹp khoảng cách thế hệ, tạo môi trường Internet an toàn, lành mạnh, bổ ích.

Phát biểu tại chương trình, Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn Nguyễn Xuân Hiếu nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số và thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… đã trở nên phổ biến với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Theo anh Nguyễn Xuân Hiếu, mạng xã hội có lợi ích rất lớn, cung cấp nhiều nội dung nhanh, miễn phí, đồng thời là kho tàng thông tin, kiến thức khổng lồ, giúp mọi người kết nối bạn bè, học hỏi kiến thức, kỹ năng mới; trao đổi thông tin thay cho phương thức truyền thống và kinh doanh.

Mặc dù mang nhiều lợi ích lớn, nhưng mạng xã hội cũng tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến con người, thậm chí là an ninh, trật tự xã hội. Những thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn lệch chuẩn, từ đó có thể sẽ có những hành động gây bất lợi cho xã hội ở các phương diện mà họ tiếp cận, trong đó đặc biệt là giới trẻ - đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với mạng xã hội và người cao tuổi - đối tượng có một số hạn chế về sử dụng công nghệ và cập nhật thông tin.

Nhấn mạnh tính cần thiết của hoạt động tập huấn lần này, Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn Nguyễn Xuân Hiếu mong muốn, đoàn viên, thanh niên, hội viên sẽ nghiêm túc lắng nghe, trao đổi, thảo luận về những nội dung các báo cáo viên trình bày, qua đó tiếp thu kiến thức, có cách nhìn tổng quát, phương pháp tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội hiệu quả, đúng đắn; nhận biết thông tin sai sự thật; tích cực phê phán, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mạng xã hội…

Chia sẻ tại chương trình, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) đề cập tới nội dung về kỹ năng cơ bản để nhận diện và xử lý khi tiếp cận với thông tin giả, thông tin lừa đảo trên không gian mạng; đồng thời cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, thời gian tới, đoàn viên, thanh niên cần nâng cao nhận thức chính trị, không đăng, chia sẻ những vấn đề đi ngược đạo đức, phong tục; không tham gia bình luận chủ đề mình không nắm rõ.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp đấu tranh theo hướng thiết lập, sử dụng các website, blog, diễn đàn, đăng tải nhiều bài viết sâu sắc về lý luận - thực tiễn; chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên internet, trực tiếp là mạng xã hội…/.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm