Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những người cựu tù cách mạng mãi là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo.
Hà Nội - Chiều 28/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt các đại biểu Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi.
Bày tỏ vui mừng được gặp mặt các đại biểu trong không khí xúc động hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023), kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Ban liên lạc Hội tù Côn Đảo tỉnh Quảng Ngãi (tiền thân của Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận những cống hiến to lớn, chiến đấu hy sinh anh dũng của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, trong đó có hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị tù đày.
Trong điều kiện tàn khốc, khắc nghiệt của nhà tù, có những nơi bị coi là “địa ngục trần gian” như Nhà tù Côn Đảo, Trại giam Phú Quốc, nhưng với lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, những người tù cộng sản luôn giữ vững phẩm chất cách mạng kiên cường, vượt qua mọi sự tra tấn dã man, thâm độc của kẻ thù, biến nhà tù khổ sai thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện ý chí, tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, quyết tâm đấu tranh giải phóng đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những người cựu tù cách mạng mãi là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo. Không chỉ là những nhân chứng sống, một lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất, hy sinh tuổi trẻ, thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, khi trở về với đời thường, các cựu tù yêu nước vẫn không ngừng phát huy phẩm chất tốt đẹp, góp tâm, góp sức cho công cuộc xây dựng quê hương.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tiếp nối truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, tri ân sâu sắc, coi việc chăm sóc người có công với cách mạng, thân nhân người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của mọi người dân, của thế hệ hôm nay và mai sau. Nhiều chính sách, pháp luật ưu đãi liên quan tới các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương, các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Những kết quả trên đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đây không chỉ là truyền thống tốt đẹp, mà còn là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nền tảng thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử.
Nhấn mạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn coi trọng, đặt lên hàng đầu việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với sự phát triển của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng với nhiều điểm mới, trong đó quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày và thân nhân.
Trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, coi đây là giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm bảo đảm các chính sách, pháp luật được thực thi nghiêm túc, thực sự đi vào cuộc sống, được thực hiện đồng bộ, nhất quán, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, bảo đảm những người có công và gia đình được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Kể từ khi thành lập chính thức năm 2006 (và cả từ giai đoạn tiền thân là Ban liên lạc tù Côn Đảo Quảng Ngãi), Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi đã tập hợp, củng cố xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Trong suốt những năm qua, Hội đã tập hợp, đoàn kết những người tham gia cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện chế độ, chính sách cho những người tham gia cách mạng bị địch bắt, tù đày trên địa bàn. Hội cũng quan tâm động viên, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên; giúp đỡ, hỗ trợ nhau xóa đói, giảm nghèo; lập được Quỹ Nghĩa tình đồng đội để hỗ trợ các hội viên khó khăn, đau ốm.../.