Năm học mới 2023 - 2024: Hậu Giang thực hiện nhiều giải pháp bổ sung đủ giáo viên
Giải pháp tình thế của Hậu Giang vẫn là hợp đồng giáo viên, nếu trường chưa đủ sẽ huy động Hiệu trưởng, Hiệu phố, Tổng phụ trách đứng lớp.
TTXVN - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh thiếu gần 1.200 giáo viên ở các cấp học, đặc biệt là giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học.
Công tác tuyển dụng giáo viên tại tỉnh trong các năm qua đều không đạt chỉ tiêu, còn đến 636 biên chế chưa sử dụng. Nguyên nhân là do điều kiện về tiêu chuẩn của người dự tuyển phải đạt tiêu chí theo Luật Giáo dục năm 2019, tình trạng giáo viên nghỉ việc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao... Từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang có 260 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục trầm trọng hơn khi số trẻ mầm non đến trường hàng năm đều tăng.
Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh cho biết, nỗi lo lớn nhất của năm học mới là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2023 - 2024, thành phố còn thiếu 41 giáo viên. Công tác tuyển dụng giáo viên trong các năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm học này, thành phố còn 57 biên chế chưa sử dụng. Giải pháp tình thế vẫn là hợp đồng giáo viên, nếu trường chưa đủ sẽ huy động Hiệu trưởng, Hiệu phố, Tổng phụ trách đứng lớp.
Quy định trình độ đào tạo giáo viên của bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở đều nâng lên.Tuy nhiên, thực tế nhiều trường học tại Hậu Giang vẫn sử dụng giáo viên hợp đồng không đủ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Hậu Giang chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp này nên tình trạng thiếu giáo viên càng tăng.
Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam, thành phố Vị Thanh chia sẻ, trường có một giáo viên hợp đồng đã hai năm. Mặc dù có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, được kết nạp vào Đảng nhưng vì không đủ tiêu chuẩn theo quy định, trường bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng. Hiện nay, trường còn thiếu 7 giáo viên. Nếu chưa có giáo viên bổ sung, giải pháp của trường là huy động cả Ban Giám hiệu đứng lớp.
Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trước những khó khăn của ngành Giáo dục, tháng 7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Những giáo viên tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hỗ trợ 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm. Dù vậy, đến nay tỉnh chỉ mới được 23 giáo viên.
Năm học 2023 - 2024, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định số lượng người hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong các cơ sở giáo dục Mầm non và Phổ thông công lập. Theo đó, số lượng hợp đồng giáo viên toàn tỉnh là 427 người, các địa phương căn cứ vào số lượng này để hợp đồng giáo viên tạm thời. Trường hợp thiếu cục bộ, ngành điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, phân công giáo viên dạy liên trường để đảm bảo giờ dạy của giáo viên theo quy định. Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên, thực hiện thường xuyên để đảm bảo tuyển hết số lượng biên chế được giao.
UBND tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng một số loại công việc trong đơn vị sự nghiệp, trong đó sửa đổi khoản 3, Điều 9, cho phép ngành Giáo dục thực hiện hợp đồng trong biên chế dưới 12 tháng nếu tuyển dụng chưa đủ số lượng biên chế được giao; không thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với ngành Giáo dục để đáp ứng việc tăng quy mô học sinh./.