Từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là “4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng”;
Hà Tĩnh - Ngày 28/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời có giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự cũng như công tác xây dựng Đảng trong những năm cuối nhiệm kỳ.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm
Tại Hội nghị, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; đánh giá việc liên kết với các doanh nghiệp, từ đó để thay đổi tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; quan tâm tìm hướng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Địa phương tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, tạo ra sản phẩm độc đáo. Người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm công tác quản lý cán bộ, đảng viên; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những cán bộ vi phạm.
Ông Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy và các quy định về công tác cán bộ; rà soát, sắp xếp, bố trí, chuẩn bị trước một bước về công tác cán bộ cho Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030; cần thay đổi tư duy về công tác cán bộ; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ dôi dư. Cùng với đó, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt Đảng ở các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở và công tác phát triển đảng trong nhà trường, doanh nghiệp, vùng nông thôn, vùng có nhiều đồng bào theo tôn giáo; tăng cường kiểm tra, giám sát và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi.
Thời gian tới, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, dự án đầu tư lớn nhằm tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng; xúc tiến công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực tăng thêm toàn ngành công nghiệp; phát triển dịch vụ cảng biển, logistics. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chất lượng dịch vụ công, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”
Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp, Hà Tĩnh đã thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, khắc phục khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.
Từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là “4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng”; tập trung nguồn lực phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và trục ven biển Xuân Hội - Vũng Áng là động lực phát triển trung tâm, chiến lược.
Xác định công nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế cần tập trung cao cùng với tăng cường kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ môi trường, Hà Tĩnh có các chính sách mới để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030; tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng là hạt nhân phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực. Địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh tập trung thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tích tụ ruộng đất; phát triển bền vững các chuỗi liên kết chăn nuôi lợn, bò, hươu, gia cầm trang trại.
Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt khoảng 5,65%; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân ước đạt 3,8%; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 53.906 tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016 - 2018.
Thực hiện tốt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Địa phương hiện có 238 sản phẩm OCOP; trong đó có 12 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm đã có đơn hàng xuất khẩu. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 82 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 17 nghìn tỷ đồng, 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD.../.