Tỉnh cần cân nhắc, sớm đưa ra phương án hoạt động thống nhất của mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện.
(TTXVN)- Sau 3 năm triển khai mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại Hà Tĩnh đã bộc lộ nhiều vấn đề. Tỉnh cần cân nhắc, sớm đưa ra phương án hoạt động thống nhất của mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện.
Năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thí điểm thành lập Trung tâm Y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại các huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang, thị xã Hồng Lĩnh; kiện toàn cơ cấu tổ chức Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo thành lập 5 Trung tâm Y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh.
Như vậy, hiện nay, địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 7/13 đơn vị cấp huyện triển khai mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng - đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, gồm: Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Kỳ Anh (trong đó có 5 Trung tâm Y tế khi thực hiện sắp xếp bao gồm cả Bệnh viện Đa khoa hạng II và hai đơn vị có Bệnh viện Đa khoa hạng III ). 6/13 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng, gồm: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh - đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Địa bàn 6 đơn vị cấp huyện này có 6 Bệnh viện Đa khoa hạng II - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế.
Theo đánh giá từ Sở Y tế, Sở Nội vụ Hà Tĩnh và kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sau ba năm hoạt động, mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện hai chức năng giúp các đơn vị chủ động, linh hoạt trong việc điều động, bố trí, đào tạo nhân lực và vật lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp yêu cầu thực tiễn của từng thời điểm; tạo điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế xã, công tác dân số truyền thông và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện tốt hơn.
Mô hình hoạt động nà tạo điều kiện cho các đơn vị huy động được tối đa nguồn lực của các địa phương trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính bổ sung cho lĩnh vực y tế dự phòng, dân số, nhất là huy động được sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch bệnh…
Các Trung tâm Y tế thực hiện ba chức năng đã giảm được các đầu mối, giải quyết được sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ cấp huyện đến cấp xã.
Bác sĩ Nguyễn Thái Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Trung tâm Y tế trực thuộc UBND thị xã nên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành sát sao, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền thị xã, đặc biệt là hỗ trợ về nguồn lực, các cơ chế, chính sách để đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, nhờ đó, nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, tạo niềm tin trong nhân dân.
Bác sĩ Lê Viết Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân chia sẻ: Mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện giúp lĩnh vực y tế dự phòng và điều trị được quản lý, chỉ đạo phối hợp thực hiện đan xen, bổ trợ nhau; khắc phục được tình trạng phối hợp thiếu nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ chung giữa các lĩnh vực thuộc ngành Y tế trước đây, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình thí điểm Trung tâm Y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có vướng mắc so với quy định hiện hành. Đó là, trong khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định không sáp nhập Bệnh viện Đa khoa hạng II vào Trung tâm Y tế cấp huyện, Hà Tĩnh vẫn thí điểm sáp nhập 5 Bệnh viện Đa khoa hạng II vào các Trung tâm Y tế này.
Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn xếp hạng đối với mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện đa chức năng nên khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm Y tế cấp huyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã 3 năm thực hiện thí điểm thực hiện mô hình hoạt động mới, song đến nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa đưa ra được mô hình Trung tâm Y tế hoạt động thống nhất trong toàn tỉnh, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế như: công tác thống kê, báo cáo, quản lý chất lượng nguồn nhân lực, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số…
Việc điều phối nhân lực giữa các đơn vị y tế trong tỉnh, giữa các địa phương để bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn nhân lực và trong công tác phòng, chống dịch… gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết, sau khi sáp nhập, do tính chất công việc khác nhau, hoạt động khác nhau, việc huy động đội ngũ y, bác sĩ từ mảng y học, dự phòng và dân số sang thực hiện công tác khám, chữa bệnh tại khối khám bệnh hầu như không thực hiện được, vì chuyên môn bác sĩ hai lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, do chưa có hướng dẫn về chi tiêu tài chính, nhiều Trung tâm Y tế huyện thực hiện 3 chức năng tại Hà Tĩnh vẫn duy trì hai cơ chế chi tiêu tài chính khác nhau. Khối khám chữa bệnh thực hiện tự chủ, khối dân số và y tế dự phòng thực hiện chi tiêu ngân sách nhà nước. Trong cùng một đơn vị, thu nhập của cán bộ, nhân viên của hai khối khác nhau.
Theo chia sẻ của bác sĩ Lê Viết Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân: Sau khi chuyển giao mô hình quản lý, công tác quản lý tài chính cho lĩnh vực chuyên môn của ngành Y tế, đặc biệt là các hạng mục trong khám, chữa bệnh, mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất… còn lúng túng, việc thanh quyết toán tài chính hằng năm gặp nhiều khó khăn./.