Sức khỏe

Phát huy vai trò của truyền thông trong nâng cao chất lượng dân số

Hà Nam

Đẩy mạnh truyền thông là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi kinh phí đầu tư cho công tác dân số và phát triển còn hạn chế.

TTXVN - Xác định công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng ngành Dân số tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, truyền thông là mũi nhọn xung yếu, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân trong việc triển khai các mục tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Trên 200 đoàn viên cơ sở dự Hội nghị truyền thông sức khỏe, sức khỏe sinh sản và công tác dân số trong tình hình mới. (Ảnh tư liệu: Đại Nghĩa/TTXVN).

Ngành Dân số tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các xã, phường, thị trấn. Đến với chiến dịch, người dân không chỉ được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tư vấn làm mẹ an toàn, mà còn được cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện đại.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, cộng tác viên dân số; phối hợp tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự phòng các bệnh thường gặp cho chị em, vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Chi cục tích cực truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính khi sinh. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông cho gần 40.000 lượt người.

Tại thành phố Phủ Lý, công tác truyền thông về chính sách dân số được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống loa phát thanh, băng zôn, tờ rơi tuyên truyền; duy trì sinh hoạt định kỳ các Câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tiền hôn nhân. Kết hợp các buổi sinh hoạt, Trung tâm Y tế thành phố đã cấp phát tờ rơi, tài liệu, sản phẩm truyền thông cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh; kỹ năng ứng xử, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kiến thức về sức khỏe tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên…

Bà Nguyễn Thị Vân (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết, sinh hoạt trong Câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi, bà đã được tham gia nhiều buổi truyền thông, tư vấn kiến thức bổ ích về chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, phòng tránh tai biến, đột quỵ; đặc biệt là tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý.

Cho trẻ uống Vitamin A tại phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 75 tuổi. Tuy nhiên, số năm sống khỏe chỉ đạt trung bình 64 tuổi. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao (110 trẻ trai/100 trẻ gái); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên mấy năm gần đây liên tục tăng. Tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ trong khi nguồn lực dành cho công tác dân số còn hạn chế. Đây là những thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Bà Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam cho biết, đẩy mạnh truyền thông là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi kinh phí đầu tư cho công tác dân số và phát triển còn hạn chế. Các đơn vị trong ngành Dân số tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21. Ngành triển khai hiệu quả Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cũng như các hoạt động truyền thông về nâng cao chất lượng dân số và các hoạt động nhân dịp các sự kiện về dân số.

Ngành đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe và cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên địa bàn; duy trì hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi; tổ chức hội nghị tư vấn, hướng dẫn người cao tuổi chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tai biến, đột quỵ và lợi ích của khám sức khỏe định kỳ.../.

Nguyễn Chinh

Xem thêm