Công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động trong những năm qua đạt được kết quả nhất định, nhất là khi có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường.
TTXVN - Sáng 28/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động” cho các tỉnh, thành phố phía Nam. Hội thảo nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp triển khai phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân lao động thuận lợi, phù hợp xu hướng phát triển về công nghệ thông tin của xã hội, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành Y tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sỹ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động trong những năm qua đạt được kết quả nhất định, nhất là khi có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường.
Tuy nhiên, thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, nhiều người dân quan ngại và lo sợ về HIV/AIDS. Tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết.
Tỷ lệ nhiễm HIV nhiều nhất hiện nay là người quan hệ tình dục đồng giới. Các báo cáo nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nhiều tỉnh ở Việt Nam cho thấy, khoảng 3,5% dân số thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới, lưỡng tính) nhiễm HIV.
Theo Thạc sỹ Võ Hải Sơn, quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với LGBT tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV lên cao trong cộng đồng này, từ đó lây tiếp cho cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Do vậy, cần đối xử công bằng, bình đẳng và đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cộng đồng này, giúp họ sống và cống hiến. Đặc biệt, cần tuyên truyền phổ biến nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS tại các khu công nghiệp, nhất là trong tổ chức Công đoàn.
Cùng qua điểm, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ sự quan ngại từ thực tiễn tình hình đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, xoay quanh các khu công nghiệp. Đặc biệt, tại khu lưu trú, nhà trọ, nơi có đông công nhân sinh sống, việc kiểm soát cám dỗ trong xã hội, vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, nạn ma túy và cả lây nhiễm HIV/AIDS càng khó.
Do vậy, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cùng tổ chức Công đoàn để triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân viên chức lao động, nhất là công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng là vấn đề rất quan trọng, cần thiết.
Điều này không chỉ hạn chế, dừng lây nhiễm trong công nhân lao động mà còn thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó hoạt động chăm lo sức khỏe của người lao động, ông Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ.
Ghi nhận một số tỉnh, thành phố phía Nam có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS khá cao, nhất là địa phương có khu công nghiệp, ông Vũ Mạnh Tiêm khuyến nghị, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn ở địa phương tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân lao động ở nơi làm việc và nơi lưu trú. Ông cũng đánh giá cao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS cập nhật, bổ sung và ban hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động” trên cơ sở kế thừa từ tài liệu năm 2010 và cho rằng đây là tài liệu quan trọng, làm cơ sở cho việc tuyên truyền hiệu quả trong công nhân, người lao động và cộng đồng.
Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Amy Frances Bailey cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM ngày càng tăng, nhất là lứa tuổi từ 15 - 29, ở một vài địa phương, 80% ca nhiễm HIV mới là người trong độ tuổi lao động làm việc tại doanh nghiệp, khu công nghiệp gồm cả lao động nhập cư. Vì thế, cần tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến, hướng dẫn thông qua hội thảo, vận động chính sách, đào tạo, tổ chức sự kiện truyền thông nâng cao kiến thức về HIV cho lãnh đạo, quản lý, Công đoàn, người lao động tại doanh nghiệp, khu công nghiệp...
Bà Amy Frances Bailey đánh giá cao và tin tưởng các hoạt động phối hợp giữa Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở nhiều cấp khác nhau góp phần giảm thiểu tác động của dịch HIV hiệu quả và hiệu suất hơn. Đồng thời, cam kết tiếp tục hợp tác với cơ quan chuyên môn thông qua hỗ trợ tài chính, kỹ thuật nhằm hướng đến nhóm đối tượng là người lao động đều có thể tiếp cận dịch vụ HIV thiết yếu. Qua đó giúp doanh nghiệp có thêm lợi ích từ lực lượng lao động gắn kết, năng suất và Việt Nam đạt được một thế hệ lao động khỏe mạnh, không có HIV.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, những khó khăn, thuận lợi và giải pháp phòng, chống cho công nhân lao động. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; kinh nghiệm của nhóm cộng đồng trong quá trình thực hiện tại khu công nghiệp và cộng đồng…/.
- Từ khóa:
- Công nhân
- cộng đồng
- không lây nhiễm HIV