Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023.
Vĩnh Phúc - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Văn bản 6765/UBND-VX1 yêu cầu các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023.
Nội dung văn bản nêu rõ: Để chủ động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023; tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2023 theo chỉ đạo tại các kế hoạch và các văn bản khác có liên quan mà tỉnh mới ban hành; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo chỉ đạo tại: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương, nhất là thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, thực phẩm dành cho trẻ em; tập trung ưu tiên kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh, kẹo, nước giải khát; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Nước giải khát, bánh trung thu, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...
Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh, kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm tới công tác bảo đảm an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại các trường học tổ chức ăn nghỉ bán trú, các bếp ăn tập thể đông lao động khu công nghiệp, các điểm du lịch. Đây là các điểm luôn đông người, do đó công tác bảo đảm an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm nếu không được thực hiện nghiêm dễ dẫn tới các hậu quả khó lường.
Theo báo cáo của của UBND tỉnh, các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc hiện thu hút trên 110.000 lao động và hầu hết có tổ chức ăn ca tại xưởng, cơ sở sản xuất. Về lĩnh vực du lịch, năm 2023, Vĩnh Phúc phấn đấu đạt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách, doanh thu lĩnh vực du lịch ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, nguồn thu từ ăn uống trong du lịch chiếm tỷ lệ khá cao...Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm với mọi người dân, trong đó có du khách, công nhân lao động, học sinh, sinh viên... luôn được tỉnh quan tâm, yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm nếu để xảy ra các sự việc tiêu cực.../.