Hòa Bình rà soát, đánh giá thực trạng công trình cấp nước sạch nông thôn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có buổi giám sát tại UBND tỉnh về “Việc quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn.
(TTXVN)- Ngày 6/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình do Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại UBND tỉnh về “Việc quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận và chỉ ra những thực trạng khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nước sạch nông thôn hiện còn nhiều tồn tại trong quản lý, khai thác công trình; việc thu tiền sử dụng nước đối với người dân nông thôn gặp rất nhiều khó khăn; các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước) và việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện, công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ mang tính tạm thời và tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa. Do đó, các công trình nước sinh hoạt xuống cấp, hư hỏng nhanh...
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã giải trình và làm rõ các nội dung đại biểu thảo luận như: Việc giám sát các công trình còn thiếu chặt chẽ trong khai thác vận hành; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho một số nguồn nước của công trình giảm, không đủ nước cung cấp đến các hộ dân; đời sống của người dân nông thôn còn khó khăn nên việc sử dụng nước không thường xuyên do phải chi trả tiền sử dụng nước, dẫn đến kinh phí duy trì hoạt động chưa đảm bảo. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị Trung ương xem xét cổ phần hóa với đơn vị cung cấp nước sinh hoạt để người dân nông thôn được dùng nước sạch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý vận hành, duy tu, nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc nhấn nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã có sự quan tâm tới việc đầu tư các công trình nước sạch nông thôn và đã phần nào đem lại hiệu quả đối với đời sống nhân dân, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành các công trình. Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu tăng cường tuyên truyền đến chính quyền, người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn, xác định đầu mối, chủ đầu tư, đánh giá lại thực trạng từng công trình để có biện pháp giải quyết phù hợp. Trong quản lý, vận hành, đơn vị chức năng cần quan tâm đến yếu tố con người và thống nhất đơn giá nước...
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình sẽ tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 360 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn (Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, Dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình, Childfund, Chương trình WB, Dự án ADB, ngân hàng chính sách) với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, có 37 công trình hoạt động hiệu quả; 62 công trình hoạt động trung bình; 80 công trình hoạt động kém hiệu quả; 181 công trình không hoạt động...
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã khảo sát thực tế tại các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại các huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình./.