Cần đình chỉ hoạt động tất cả mỏ đá đang có vi phạm về thiết kế, ảnh hưởng đến môi trường, khi khắc phục xong sai phạm mới được hoạt động trở lại.
TTXVN - Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để giải quyết vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ khảo sát đánh giá lại trữ lượng khai thác, ranh giới khai thác của các mỏ; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, xác định các vi phạm về môi trường, vi phạm về khối lượng vật liệu nổ… Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có phương pháp xử lý nghiêm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi giấy phép.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 223/QĐ-UBND thành lập các Tổ công tác liên ngành, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành, địa bàn tỉnh có 71 Giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đang còn hiệu lực tại thành phố Hòa Bình và các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn... Trong đó, riêng huyện Lương Sơn có 44 giấy phép (chiếm 61,97% tổng số giấy phép). Tổng trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng đã cấp theo giấy phép khai thác là hơn 327 triệu m3; tổng công suất thiết kế, khai thác hơn 9,2 triệu m3/năm.
Qua kết quả của các đợt thanh tra, kiểm tra, Tổ công tác liên ngành đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp như không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định. Các doanh nghiệp khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác. Bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt không thể hiện không đầy đủ và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (năm 2020 - 2021); không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác (năm 2020 - 2021)…
Ngày 20/4/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành ra một loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với một số tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, theo Quyết định số 800/QĐ-XPHC, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu nhớt công nghiệp Valine (thôn Ngái Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản 300 triệu đồng. Tại Quyết định số 801/QĐ-XPHC, UBND tỉnh xử phạt Công ty Cổ phần xây dựng Đà Bắc (Tiểu khu Hương Lý, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc) 300 triệu đồng.Theo Quyết định số 798/QĐ-XPHC, Công ty Cổ phần Hoàng Đạt (thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) bị xử phạt 220 triệu đồng. Tại Quyết định số 813/QĐ-XPHC, UBND tỉnh xử phạt Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Mạnh Cường (xóm Lở, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn) 375 triệu đồng...
Trước đó, theo báo cáo và đề xuất của Tổ công tác liên ngành, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ ngày 10/4/2023 đối với 16 đơn vị đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng trong quá trình hoạt động khai thác chưa có thiết kế mỏ điều chỉnh (thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh) được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật của Tổng Công ty 789, Tổng Công ty 36, Công ty Cổ phần 19-8, Công ty Cổ phần Hoàng Đạt…
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chỉ được hoạt động khai thác trở lại sau khi hoàn thành việc lập thiết kế mỏ điều chỉnh, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Quách Tất Liêm cần đình chỉ hoạt động tất cả mỏ đá đang có vi phạm về thiết kế, ảnh hưởng đến môi trường, khi khắc phục xong sai phạm mới được hoạt động trở lại; tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; không cấp phép mới, rà soát thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp phép nhưng không triển khai, không thực hiện nghĩa vụ về đất đai, môi trường, tài chính…
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc tạm dừng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các đơn vị trong thời gian tạm dừng hoạt động. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư dự án khai thác mỏ thực hiện lập hồ sơ thiết kế mỏ điều chỉnh (thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh) trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; thẩm định, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, báo cáo việc hoàn thành khắc phục các vi phạm, thống nhất đề xuất UBND tỉnh xem xét việc cho phép hoạt động khai thác trở lại của các tổ chức, cá nhân./.