Quốc hội với Cử tri

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

TP. Hồ Chí Minh

Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Sáng 1/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Dự thảo Luật) sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Khoa Luật - Đại học An ninh nhân dân, trên thực tế, Việt Nam đã cử nhiều đoàn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Vì vậy, việc ban hành Luật sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động gìn giữ hòa bình của phái đoàn Việt Nam, khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ban hành Luật là rất cần thiết để qua đó khẳng định việc Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thành viên của Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam đã là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2007-2008.

Luật sư Trương Thị Hòa thống nhất với ý kiến của một số đại biểu dự hội thảo cho rằng, Ban Soạn thảo Dự thảo Luật cần quan tâm nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất về thuật ngữ trong toàn bộ Dự thảo, đặc biệt với cụm từ ngữ “tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” và “hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, vốn được sử dụng ở nhiều điều, khoản trong Dự thảo Luật.

Theo bà Trương Thị Hòa, căn cứ theo Hiến chương Liên hợp quốc, “lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" không có chữ “của”, vì đây là lực lượng do các thành viên cung cấp, tham gia theo yêu cầu của Liên hợp quốc và Liên hợp quốc chưa thành lập quân đội riêng để gìn giữ hòa bình, duy trì an ninh quốc tế. Trong khi đó, cụm từ “hoạt động gìn giữ hòa bình” cần thêm chữ “của” thành “hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, bởi những hoạt động này do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành theo quy định tại Chương IV Hiến chương Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, theo luật sư Trương Thị Hòa, Luật này thể hiện mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, vì vậy đề nghị Ban Soạn thảo Dự thảo Luật xem xét bổ sung quy định thẩm quyền liên quan về quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, nhất là các cá nhân, đơn vị là đối tượng áp dụng của Luật, cũng để xác định rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam trên tư cách là thành viên Liên hợp quốc.

Ông Huỳnh Phúc Vinh, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng quy định về đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (dân sự) phù hợp với yêu cầu thực tế; bổ sung cơ chế đảm bảo an toàn cho lực lượng dân sự tham gia thông qua trang thiết bị, bảo hộ cá nhân, thông tin liên lạc... cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế quản lý, đảm bảo an toàn, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng dân sự khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, ông Vinh cho rằng cần bổ sung cơ chế giám sát, đánh giá công tác thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, để nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị, cá nhân Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã góp ý vào một số điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật liên quan đến việc bổ sung mục đích giải quyết vấn đề “an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh” trong quy định về phạm vi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (khoản 4, Điều 4); làm rõ nội hàm “quản lý” trong quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Điều 15); chế độ, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, các phúc lợi liên quan đối với thân nhân của người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ tại lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 5 chương 29 điều, quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực, xây dựng, triển khai lực lượng, đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.


Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm