Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội.
TTXVN - Hội thảo “Mô hình chính quyền đô thị - thực tiễn và giải pháp áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra sáng 11/1. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội.
Mô hình tổ chức đặc biệt này gồm: HĐND và UBND Thành phố; quận và phường là UBND mà không có HĐND; huyện, xã, thị trấn gồm HĐND và UBND; đặc biệt mô hình thành phố thuộc thành phố đầu tiên của cả nước là thành phố Thủ Đức có đầy đủ HĐND và UBND. Tuy nhiên, những bất cập trong áp dụng các cơ chế, quy định khiến mô hình này gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố có Nghị quyết 131 nhưng cơ chế vận hành chính quyền đô thị chưa có, ngay như thành phố Thủ Đức cũng hoạt động như đơn vị cấp huyện. Thành phố cần đề xuất bộ máy chính quyền đô thị đồng bộ, trách nhiệm rõ ràng hơn, bớt tầng nấc. Cần thiết lập thẩm quyền giữa chung và riêng, phân định trách nhiệm HĐND - UBND - Chủ tịch UBND rõ ràng; không thể cái gì cũng đem ra xin ý kiến tập thể. Nhiều chuyên gia đề xuất hướng tới mô hình Ủy ban hành chính, Thị trưởng…
Ở cấp phường, theo bà Phạm Phương Thảo, cần tổng kết mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, bởi mô hình “2 trong 1” giúp xử lý công việc nhanh hơn. Chúng ta cũng cần xem xét phát huy vai trò sở ngành, không chỉ cơ quan tham mưu mà đó là cơ quan quản lý nhà nước, không phải cái gì cũng “đẩy” lên cho UBND Thành phố.
Trung ương cần cho Thành phố tự chủ về biên chế công chức, viên chức; gắn chủ động điều tiết về thu nhập; bố trí số lượng phòng, ban với chức năng cụ thể, rõ ràng phù hợp tính chất, đặc điểm, quy mô dân số.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đoàn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Linh Xuân (nguyên Phó Trưởng phòng Nội vụ thành phố Thủ Đức) đã phân tích từ thực trạng tại Thủ Đức sau thời gian thực hiện mô hình mới. Theo ông Nguyễn Đoàn Thế Hùng, các phường ở Thủ Đức có khối lượng công việc giải quyết quá lớn, tạo áp lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.
Về nguyên tắc, tinh giản bộ máy đi đôi với chất lượng, hiệu quả công việc. Chất lượng, hiệu quả công việc phải tỷ lệ thuận với chế độ, chính sách. Tuy nhiên, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức làm việc tại phường chưa có sự khác biệt so với chính quyền cùng cấp khác. Cần xem xét quy định về số lượng cán bộ, công chức và người không chuyên trách ở cấp xã theo hướng căn cứ quy mô dân số, đặc điểm địa phương để bố trí biên chế cho phù hợp thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Đoàn Thế Hùng đề xuất.
Tại Hội thảo, các đại biểu phân tích quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù trong bối cảnh xây dựng chính phủ số; phân tích, luận chứng các giá trị của quá trình triển khai trên thực tiễn về thể chế, chính sách, nhân sự, bộ máy. Sự đa dạng về dân số, kinh tế đặt ra nhiều thách thức đối với mô hình chính quyền đô thị, từ triển khai, áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù trong các khía cạnh quản lý như xây dựng đô thị thông minh.
Từ những vấn đề đặt ra khi thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phan Hải Hồ, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Cán bộ Thành phố) khuyến nghị, cần phân tích “điểm vênh” giữa chính quyền đô thị với pháp luật chuyên ngành, Nghị quyết số 98 để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chính phủ xem xét, sớm điều chỉnh hoặc ban hành Nghị định có liên quan theo hướng giao Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố trên cơ sở hành lang pháp lý của Nghị quyết 98.
Trao đổi một số ý kiến của đại biểu, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc thực hiện chính quyền đô thị là chuyển từ cơ chế thẩm quyền chung sang thẩm quyền riêng, nhưng lại chưa có luật riêng về chính quyền đô thị. Vì vậy, Thành phố đang sử dụng “chiếc áo cũ” và qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 đã thấy bất cập, khó thực hiện. Để đồng bộ với Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Nội vụ tham mưu đề xuất các nội dung xây dựng luật về chính quyền đô thị trong năm 2024.
Kết luận Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những ý kiến của đại biểu gợi mở nhiều giải pháp để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến chính quyền đô thị. Mục tiêu cuối cùng là có một mô hình chính quyền đô thị linh hoạt và hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh./.