Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
TTXVN - Trong hai ngày 8 và 9/10, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân dân tỉnh Tuyên Quang lần thứ 10, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, các sở, ngành cùng 267 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của trên 117 nghìn cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh.
Nhiệm kỳ 2023-2028, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phấn đấu: 100% cán bộ, trên 90% hội viên nông dân được nghiên cứu, học tập, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Nghị quyết Hội Nông dân các cấp; 100% tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở và trên 80% Chi hội ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong sinh hoạt và tổ chức hoạt động; trên 70% Chi hội trưởng là đảng viên; 100% Chủ tịch Hội Nông dân các xã có trình độ Đại học và đạt tiêu chuẩn về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Hằng năm kết nạp trên 2.500 hội viên mới, tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân 10%/năm; phối hợp đào tạo nghề cho 7.000 lao động nông thôn trở lên; hỗ trợ ít nhất 35.000 hội viên có tài khoản trên sàn thương mại điện tử và sử dụng có hiệu quả; 100% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Phát biểu tại Đại hội, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Ông Lương Quốc Đoàn cũng lưu ý, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách phù hợp, thúc đẩyquá trình cơ cấu và phát triển nông nghiệp, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến và đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân có trình độ cao; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp có tính định hướng để Hội Nông dân tỉnh nghiên cứu, cụ thể hóa tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Trọng tâm là các cấp Hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, đề án, chương trình của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Các cấp Hội tăng cường vận động nông dân tích tụ đất đai, thành lập các tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hình thành các chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, các cấp Hội cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - Nhà nước - doanh nghiệp) giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực, vùng sản xuất tập trung của tỉnh… Hội Nông dân tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân…
Đại hội đã bầu 28 thành viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa 10, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đồng chí Đào Thị Mai tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khóa X.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 10.317 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu nhiệm kỳ. Toàn tỉnh hiện có 191 sản phẩm OCOP; 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và vững chắc, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác rừng trồng đứng đầu cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 36 triệu đồng lên 51 triệu đồng/người/năm. Đến nay toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 96% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức luân chuyển, cho vay được 1.690 con trâu, bò; đã có 1.595 hộ thoát nghèo; tổ chức đào tạo nghề cho trên 64.100 hội viên, nông dân; đóng góp hơn 9,3 tỷ đồng, trên 100.000 ngày công lao động, sửa chữa, nạo vét hơn 1.800 km kênh mương, sửa chữa, làm mới 932 km đường giao thông nông thôn, hiến 40.768 m2 đất làm đường nông thôn, làm nhà văn hóa, xây dựng công trình công cộng...
Dịp này, 3 tập thể được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen; 11 tập thể và 17 cá nhân được UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen; 19 tập thể, 39 cá nhân được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023./.
- Từ khóa:
- Tuyên Quang
- Hội Nông dân
- cầu nối 4 nhà