Thời sự

Quảng Trị: Ưu tiên dành nguồn lực chăm lo cho người có công

Quảng Trị

Công tác chăm sóc người có công được tỉnh Quảng Trị thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả và mang đậm tính nhân văn.

TTXVN - Một trong những vấn đề được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (khai mạc ngày 2/10), tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến là Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội; trong đó có việc thực hiện chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công với cách mạng.

* Quan tâm đời sống vật chất, tinh thần người có công

Trong chiến tranh, vùng “đất lửa” Quảng Trị gánh chịu nhiều đau thương mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt; hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông, vì hạnh phúc của nhân dân. Sau khi thống nhất đất nước, song song với việc tập trung phát triển sản xuất để phục hồi kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, mộ liệt sỹ và người có công với cách mạng (gọi chung là người có công).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, địa phương có số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công chiếm trên 20% so với dân số toàn tỉnh. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công. Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhà tạm bợ dột nát; 99% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư; đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.

Tỉnh Quảng Trị có trên 140.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận; trong đó hơn 19.170 liệt sỹ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.833 Mẹ Việt Nam anh hùng... Tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 18.500 người có công và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 32 tỷ đồng/tháng. Công tác chăm sóc người có công được tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả và mang đậm tính nhân văn.

Mỗi năm hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, tuổi trẻ Quảng Trị lại đồng loạt tổ chức chương trình “Bữa cơm gia đình ấm tình lòng Mẹ” tại nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị Trần Thị Thu chia sẻ, được quây quần bên các Mẹ, chuẩn bị và ăn cùng các Mẹ bữa cơm là dịp để tuổi trẻ Quảng Trị bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh cao cả của các Mẹ và các anh hùng liệt sỹ. Thế hệ trẻ luôn khắc ghi truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh và tiếp thêm động lực để nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.

Phong trào vận động xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác chăm lo cho người có công. Ngay trong năm đầu tiên (năm 2007) phát động, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được gần 5,3 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa cho người có công. Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị, từ năm 2007 - 2022, thông qua quỹ này, tỉnh đã huy động được 135 tỷ đồng; xây mới hơn 2.360 ngôi nhà và sửa chữa trên 1.400 nhà ở cho gia đình người có công với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đã nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc; qua đó giúp các Mẹ có cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định.

Cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, tỉnh còn có những chính sách thiết thực đối với người có công và thân nhân như: giao đất ở cho những thương binh nặng tại những vị trí thuận tiện cho sản xuất kinh doanh; hàng nghìn thương binh, con liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế góp phần ổn định cuộc sống.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm tôn tạo và nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”. Quảng Trị là tỉnh vinh dự được chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sỹ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước an táng tại 72 nghĩa trang liệt sỹ; trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia là Đường 9 và Trường Sơn, mỗi nghĩa trang là nơi an nghỉ của trên 10.000 liệt sỹ. Hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia này đã được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật vào ban đêm, vừa tạo thuận lợi cho người dân đến viếng vừa tạo thêm sự linh thiêng. Vào dịp lễ, Tết, các phần mộ liệt sỹ đều được dâng hoa, dâng hương từ những tấm lòng tri ân. Từ năm 1988 - 2022, tỉnh đã quy tập, truy điệu và an táng 8.943 hài cốt liệt sỹ; trong đó 5.421 hài cốt liệt sỹ quy tập tại nước bạn Lào, 3.522 hài cốt liệt sỹ quy tập trên địa bàn.

Quảng Trị đã trở thành nơi khởi phát của nhiều lễ hội cách mạng, nhiều hoạt động tri ân và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, Lễ hội “Tri ân tháng 7”, Lễ hội “Đêm hoa đăng”. Các lễ hội thu hút đông đảo cựu chiến binh và người dân trong cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, cầu mong cho đất nước thái bình thịnh vượng. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế

Tại Quảng Trị, việc thực hiện chính sách đối với người có công còn một số tồn tại như: Việc giải quyết chế độ cho người hoạt động trong kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách hằng năm của tỉnh còn thấp nên việc nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần người có công chưa được như mong muốn. Đến cuối năm 2020, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn từ năm 2016 - 2020, tỉnh không còn hộ nghèo người có công, còn theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn từ năm 2022 - 2025, tỉnh có 218 hộ nghèo người có công với 929 nhân khẩu, hầu hết tập trung tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị Lê Nguyên Hồng, thời gian tới, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện chăm sóc người có công. Tỉnh biểu dương những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực chăm sóc người có công; thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công. Đồng thời, Quảng Trị hỗ trợ người có công còn khó khăn phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngày 28/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn về việc chỉ đạo xóa hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách người có công với cách mạng. Theo đó tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo người có công.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh thực hiện đồng bộ, kịp thời giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo người có công vượt qua mức sống tối thiểu; cải thiện khả năng tiếp cận các chỉ số, dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác để hỗ trợ cho hộ nghèo người có công cải thiện tiêu chí thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản.

Quảng Trị hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo người có công để tạo việc làm và thu nhập.

Tỉnh tăng cường huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ thực hiện kế hoạch xóa nghèo cho hộ nghèo, người có công; xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo thông qua cuộc vận động gây các quỹ như “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo trợ trẻ em”, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của các hội, đoàn thể. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường phối hợp để lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo./.

Nguyên Lý

Xem thêm