Giáo dục

Hội thảo quốc gia về dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học

Thái Nguyên

Hội thảo quốc gia mang chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn” là diễn đàn học thuật về dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học sao cho ngày càng hiệu quả hơn.

Đông đảo giảng viên, sinh viên thuộc các trường Đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham gia Hội thảo.
Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

TTXVN - Ngày 28/3, tại tỉnh Thái Nguyên, Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức khai mạc Hội thảo quốc gia mang chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn”.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IT, Big Data, AI đã tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại, trong đó có giáo dục đại học. Vì vậy, việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ là yếu tố then chốt để hội nhập quốc tế mà còn là công cụ thiết yếu để phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục. Hội thảo không chỉ đánh dấu những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ngoại ngữ mà còn là minh chứng cam kết đối với sự phát triển không ngừng của giáo dục đại học tại Việt Nam”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 126 báo cáo đến từ 19 trường đại học, học viện trong cả nước, trong đó có 93 báo cáo bằng tiếng Anh; 27 bài tiếng Trung Quốc, 2 bài tiếng Hàn Quốc, 2 bài tiếng Nga, 1 bài tiếng Pháp và 3 bài các môn khoa học cơ bản. Hội thảo còn nhận được 3 workshops, 15 báo cáo posters bằng tiếng Anh và 11 posters tiếng Trung Quốc.

Các báo cáo đều tập trung vào một số chủ đề như: Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học; phương pháp và nội dung giảng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ; thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy ngoại ngữ; kinh nghiệm và những khó khăn, thách thức trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ; chuẩn đầu ra ngoại ngữ; công cụ kiểm tra đánh giá quá trình giảng dạy ngoại ngữ và các chủ đề khác liên quan đến nghiên cứu, bồi dưỡng ngoại ngữ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học: Góc nhìn từ thực tiễn”.
Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Tiến sĩ Lê Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên cho biết, với sự đa dạng về chủ đề báo cáo, hội thảo là diễn đàn học thuật chất lượng, nơi các diễn giả, nhà khoa học gặp gỡ và trao đổi, để cùng nhau đề xuất các giải pháp, tham mưu các chính sách nhằm nâng cao việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các cơ sở giáo dục đến từ Thủ đô Hà Nội, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này đã tạo thành một mạng lưới giảng dạy ngoại ngữ, góp phần nâng cao năng lực cho giảng viên và trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Dự kiến kéo dài trong hai ngày 28-29/3, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần xây dựng “hệ sinh thái” nghiên cứu và “cộng đồng học thuật” tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Hội thảo cũng là dấu ấn quan trọng tiếp nối sự đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục đại học đến từ Thủ đô Hà Nội, vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các trường đại học, nhất là Đại học Thái Nguyên đang hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, đào tạo theo module, đào tạo tài năng theo cá thể hóa, AI – trí tuệ nhân tạo; xây dựng đại học số, triển khai khung STEAM trong giáo dục đại học; quan tâm tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học; tổ chức xây dựng và thống nhất chuẩn chương trình cho hội nhập và khu vực, xây dựng chuẩn đầu ra.../.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Xem thêm