Khoa học

Hội thảo về Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam

Cần xác lập các mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn nhất định của phát triển để đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN)- Ngày 8/11, tại Hà Nội, Viện Địa lý Nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030”, khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu khoa học địa lý trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Hội thảo góp phần nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển và các giải pháp trong giải quyết các thách thức khi tiếp cận khoa học địa lý.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu, là niềm hy vọng lớn của toàn nhân loại. Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh cho rằng, phát triển bền vững cần xác lập các mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn nhất định của phát triển để đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng môi trường kinh tế - xã hội thích hợp, tạo ra môi trường nhân tạo tối ưu nhất trong mối quan hệ giữa sự vận động của môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội theo không gian và thời gian.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030”. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất, thảo luận, gợi mở các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn của phát triển bền vững lãnh thổ, phát triển bền vững ngành, lĩnh vực; đồng thời, xác định được các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm chiến lược cho khoa học địa lý nhân văn đến năm 2030 góp phần thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn khẳng định, địa lý nhân văn là phân ngành chính của khoa học Địa lý, nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; tập trung vào cách thức khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên, môi trường trong chứa đựng không gian thông qua cách tiếp cận, quan điểm và công cụ có tính đặc thù.

Địa lý nhân văn với ưu thế là khoa học có tính liên ngành cao; kết hợp với tiến trình phát triển của nhận thức, nhất là khoa học công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong tìm kiếm các giải pháp đột phá, hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của lãnh thổ cho các mục tiêu phát triển và giải quyết các mối quan hệ xã hội - tự nhiên. 

Các kết quả nghiên cứu địa lý nhân văn có tính tổng hợp, hệ thống, đảm bảo tính khoa học, khách quan trong đề xuất các chiến lược phát triển nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và thúc đẩy thay đổi tích cực trong quá trình phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó Địa lý nhân văn góp phần quan trọng trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ hài hòa giữa con người và môi trường trong tiến trình phát triển trên cơ sở tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh phát triển bền vững đối với các chiến lược phát triển và hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Chia sẻ về tiếp cận địa lý nhân văn trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Tiến sỹ Lê Thanh Hòa, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Địa lý nhân văn có nhiều đóng góp cho việc phân tích và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thiết lập cách tiếp cận liên ngành và tổng hợp để giải thích sự tương tác của các tiêu chí phát triển bền vững liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường theo không gian lãnh thổ trên toàn cầu. 

Các nội dung gồm: tham gia đóng góp, xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia vào các hiệp ước quốc tế về phát triển bền vững; thực hiện và giám sát các chính sách phát triển bền vững; điều chỉnh và thay đổi mô hình tiêu dùng và sản xuất; lĩnh vực phát triển đa dạng văn hóa truyền thống, hệ thống xã hội, toàn cầu hóa, nhập cư, định cư và các tác động đối với sự bền vững về văn hóa hoặc xã hội; việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên như đất, nước, khí quyển và các tài nguyên sinh học khác; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sự phát triển và bền vững... nhằm đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững cho toàn cầu.

Đề xuất việc làm bền vững tại Việt Nam, Tiến sỹ Trần Thị Tuyết, Viện Địa lý nhân văn cho rằng, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần có những hành động mạnh mẽ trên cơ sở thực hiện tốt những giải pháp căn cơ với lộ trình phù hợp để tận dụng tốt những cơ hội chuyển biến sâu sắc nền kinh tế, nhất là gia tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển và quyền của người lao động.

Tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam; địa lý nhân văn đối với phát triển bền vững ngành và lĩnh vực; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; ứng dụng công nghệ địa lý – hệ thống địa lý trong hỗ trợ và giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Lý Thanh Hương

Xem thêm