Nhiều cán bộ của Tạp chí tích cực tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn sau đại học tại các trường, cơ sở đào tạo uy tín…
(TTXVN)- Ngày 7/11, tại Hà Nội, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Kỷ niệm 40 năm thành lập và Hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp tham gia chỉ số trích dẫn ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Tạp chí Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam". Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam và lan tỏa kinh nghiệm cho các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Tạp chí trong nhiều năm qua; đề nghị cán bộ nhân viên của Tạp chí luôn bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đảm bảo theo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động. Công tác xuất bản - phát hành có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực; liên tục tăng trang, tăng kì.
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu yêu cầu, chất lượng các bài viết phải nâng cao, ngoài các bài nghiên cứu mang tính hàn lâm, cần có nhiều bài nghiên cứu những vấn đề thực tiễn chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ đời sống xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết công tác báo chí với hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy… Xác định: “Tạo lập vị thế của một tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của quốc gia, trở thành diễn đàn khoa học liên ngành, đa ngành tin cậy của giới nghiên cứu khoa học xã hội trong và ngoài nước", Tiến sỹ Phan Chí Hiếu lưu ý, cần tập trung xác định mục tiêu rõ ràng, với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương -Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”…
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, sự ra đời của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các nhà khoa học, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà. Kể từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Tạp chí đã thu hút, công bố khá toàn diện những thành tựu nghiên cứu nổi bật của các nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các cán bộ của Tạp chí đã nghiên cứu, xuất bản hàng trăm công trình khoa học. Nhiều công trình đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, một số giải thưởng cấp Nhà nước. Nhiều cán bộ của Tạp chí tích cực tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn sau đại học tại các trường, cơ sở đào tạo uy tín…
Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi nhấn mạnh, Tạp chí tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, thế mạnh để tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách; nắm bắt cơ hội; mạnh dạn đổi mới để phát triển năng động hơn, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng các bài viết được công bố, đổi mới về hình thức đẩy mạnh cải tiến về cấu trúc các phần bài viết, thể thức trình bày theo chuẩn quốc tế; phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong khu vực và thế giới; tham gia chỉ số trích dẫn ASEAN (cơ sở dữ liệu trung cho toàn khu vực Đông Nam Á) trước năm 2030.
Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và công bố trên tạp chí quốc tế uy tín ở khối ngành nhân văn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín là công việc bình thường của mọi nhà nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và quốc tế hóa, các học giả Việt Nam cần có những chiến lược lâu dài để “vượt khó”. Một nghiên cứu tốt ở trong nước chưa chắc lúc nào cũng có thể được chấp nhận đăng bài trên tạp chí uy tín quốc tế, bởi đằng sau một bài viết cần có nền tảng lý thuyết, trường phái học thuật, xu hướng quan tâm, ngôn ngữ học thuật, bối cảnh học thuật.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chiến lược gia nhập quốc tế của tạp chí khoa học Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các bộ, ngành gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế. Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, để ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục dữ liệu công bố, các nhà quản lý các tạp chí khoa học của Việt Nam cần xác định đúng lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể. Việc này cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng khoa học để Việt Nam sớm có nhiều tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: Tiêu chí và giải pháp tham gia cho các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng thể thức bài viết chuẩn cho báo cáo khoa học (APA); tìm hiểu về phần mềm phổ biến cho việc xuất bản điện tử tên tạp chí khoa học hiện nay ở Việt Nam; một số giải pháp phát triển Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam bằng tiếng Anh.../.