Sự kiện đã thu hút 140 phụ nữ tham gia; vận động, hỗ trợ cho gần 1.000 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng...
TTXVN - Từ việc triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939) trong 6 năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Kiên Giang đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; qua đó, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, thúc đẩy hàng ngàn chị em mạnh dạn khởi nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Chủ đề Ngày Phụ nữ khởi nghiệp hằng năm đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự chuyển động của nền kinh tế. Sự kiện đã thu hút 140 phụ nữ tham gia; vận động, hỗ trợ cho gần 1.000 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư...
Bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, trong khuôn khổ Đề án 939, từ năm 2017 đến nay, 100% cán bộ hội phụ nữ chuyên trách các cấp tham gia Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% số hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 847 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Việc kết nối với mạng lưới Hội nữ Doanh nhân tỉnh với Câu lạc bộ nữ doanh nhân cấp huyện được chú trọng hơn; thúc đẩy phát triển mạng lưới hội, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ.
Có ý tưởng, quyết tâm theo đuổi đam mê khởi sự kinh doanh, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp hội đã giúp nhiều chị em tự tin vươn lên trong lập thân lập nghiệp. Cô Nguyễn Thị Pha Phăng, giáo viên môn Vật lý của Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Long Thạnh, huyện Giồng Riềng đã nghiên cứu, học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ quả gấc như tinh dầu gấc, son gấc, dầu gấc dưỡng da, dầu gấc dùng trong chế biến món ăn... Bên cạnh đó, cô còn tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp. Tháng 11/2021, dự án son Gấc P'Phăng của cô đoạt giải Khuyến khích cuộc thi "Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công" do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đồng tổ chức. Kết quả này đã tiếp thêm sức mạnh để cô có thêm quyết tâm hoàn thành các thủ tục pháp lý, cải tiến bao bì, mẫu mã mở rộng thị trường. Mới đây cô Phăng tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa năm 2023" khu vực miền Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và đoạt giải Khuyến khích.
Còn chị Nguyễn Hồng Bóng (xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao) khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là đan các sản phẩm từ cây lục bình. Có việc làm tại chỗ ổn định, qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thắng, chị Bóng thành lập Tổ hợp tác đan lục bình và mở lớp dạy nghề tại chỗ. Đến nay, Tổ hợp tác đã thu hút 31 phụ nữ tham gia, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện dần cuộc sống.
Thực hiện Đề án 939, bằng nhiều hình thức tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, đến nay các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã, 384 tổ hợp tác, tổ, nhóm liên kết sản xuất do có phụ nữ tham gia quản lý. Toàn tỉnh có 73 sản phẩm OCOP do phụ nữ là chủ thể, đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Thông qua việc tập huấn kiến thức, hỗ trợ vốn, cây, con giống… Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp kịp thời hỗ trợ nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, duy trì và tái đầu tư, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, sản xuất là nữ có vốn đầu tư vào sản xuất, có việc làm tăng thu nhập... Qua đó đã giúp 2.798 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo./.
Lê Sen
- Từ khóa:
- nâng cao
- nhận thức
- phụ nữ
- khởi nghiệp