Khoa học

Tạo khả năng truy xuất nguồn gốc với nhãn hiệu “Mít Hậu Giang”

Hậu Giang

Việc nhãn hiệu tập thể "Mít Hậu Giang" được đăng ký bảo hộ giúp các tổ chức và cá nhân kinh doanh sản phẩm mít trên địa bàn tỉnh tham gia vào nhãn hiệu tập thể này, tăng khả năng tiếp cận đối tượng sử dụng của nhãn hiệu tập thể.

TTXVN - Tại Hội thảo Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 30/10, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, phát triển nhãn hiệu tập thể "Mít Hậu Giang" là cần thiết.

Nhiều đại biểu cho rằng, để phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Mít Hậu Giang", sản phẩm mít của tỉnh bán ra thị trường phải có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Việc nhãn hiệu tập thể "Mít Hậu Giang" được đăng ký bảo hộ giúp các tổ chức và cá nhân kinh doanh sản phẩm mít trên địa bàn tỉnh tham gia vào nhãn hiệu tập thể này, tăng khả năng tiếp cận đối tượng sử dụng của nhãn hiệu tập thể.

Vì vậy, cần gắn phát triển thương hiệu sản phẩm mít Hậu Giang với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tăng cường năng lực cho việc phát triển thị trường sản phẩm. Do đó, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ của nhà nước thông qua doanh nghiệp và dựa vào doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, thị trường sản phẩm mang thương hiệu cộng đồng.

Nhãn hiệu tập thể Mít Hậu Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số ngày 11/9/2023. Nhãn hiệu tập thể đăng ký cho 2 nhóm hàng hóa/dịch vụ gồm nhóm: Quả tươi (quả mít), cây giống (Cây mít giống) và nhóm: Mua bán, xuất nhập khẩu, đại lý, trưng bày và giới thiệu: Quả tươi (quả mít), cây giống (cây mít giống).

Nhãn hiệu tập thể "Mít Hậu Giang" do Liên minh Hợp tác xã tỉnh là tổ chức chủ sở hữu. Ngoài nhãn hiệu tập thể này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang còn là tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể "Mãng cầu Hậu Giang".

Đến hết tháng 10/2023, Hậu Giang có diện tích cây ăn trái đạt gần 46.000 ha, tăng 623 ha so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 99,6% so với kế hoạch năm 2023), sản lượng đạt gần 550.000 tấn (đạt 97,7 % so kế hoạch). Trong đó, cây mít vẫn là một trong những nhóm cây trồng chiếm diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh với diện tích trồng gần 10.000 ha, tăng 248 ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy.

Hết năm 2022, tỉnh Hậu Giang có 471 đơn đăng ký nhãn hiệu, 250 nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận. Tỷ lệ nhãn hiệu đăng ký thành công của tỉnh tại Cục Sở hữu trí tuệ là 53,08%. Trong đó, tỉnh có một chỉ dẫn địa lý (Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang) và 10 nhãn hiệu cộng đồng khác (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) gồm: Hai nhãn hiệu chứng nhận ("Cá rô đầu vuông Hậu Giang", "Cá thát lát Hậu Giang") và 8 nhãn hiệu tập thể ("Cam sành Ngã Bảy", "Cam xoàn Phụng Hiệp", "Chanh không hạt Hậu Giang", "Hậu Giang 2 lúa đặc sản", "Lúa gạo sạch Vị Thủy", "Mãng cầu Hậu Giang, "Quýt đường Long Trị", "Xoài cát Hậu Giang")./.

Hồng Dân

Tin liên quan

Xem thêm