Khoa học

Cần tầm nhìn chiến lược dài hạn trong phát triển khoa học công nghệ

Tây Ninh

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả lĩnh vực.

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

TTXVN - Ngày 31/10, Hội thảo khoa học phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Chính trị tổ chức.

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả lĩnh vực. Hoạt động nghiên cứu khoa học bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, từ năm 2016 đến ngày 1/10/2023, tỉnh triển khai 42 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 28 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; đã nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 29 nhiệm vụ, nhằm phục vụ công tác quản lý của các ngành, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân tại địa phương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 7 tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ được thành lập, đã và đang được đầu tư mở rộng, từng bước nâng cao tiềm lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Tây Ninh nhìn nhận: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp trong tăng trưởng và phát triển của từng ngành, lĩnh vực với mức độ tham gia đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa chủ đạo. Tốc độ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chậm so với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Năng lực nghiên cứu ứng dụng tại địa phương còn khiêm tốn. Tây Ninh chưa có đề tài, dự án mang tính đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực có trình độ đại học, trên đại học tại tỉnh ngày càng tăng nhưng số lượng tham gia nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ chưa nhiều...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Tây Ninh có vị trí chiến lược và tiềm lực phát triển trên nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, nông-lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ đến du lịch. Định hướng phát triển của tỉnh không chỉ hướng đến kinh tế mà còn hướng tới văn hóa, xã hội và đặc biệt là cuộc sống của cư dân, thể hiện rõ trong kế hoạch phát triển thành phố Tây Ninh thành “đô thị xanh” văn minh, hiện đại, thông minh, sinh thái và đáng sống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thoại Nam cho biết, Tây Ninh đang cùng các tỉnh, thành phố khác trong cả nước phát triển hạ tầng, giao thương, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp... Tỉnh xác định không thể phát triển với tốc độ bình thường mà đến lúc cần tầm nhìn chiến lược dài hạn, tạo sự đột phá.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, tại Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 31/3/2023 của Tỉnh ủy về Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 khẳng định mục tiêu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có tiềm lực và trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh nhìn nhận, trên địa bàn vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương, đơn vị mình. Sản phẩm của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của đời sống; chưa có đề tài, dự án có tính đột phá cao để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

PV

Xem thêm