Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác khoa học giữa các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và các trường đại học, viện nghiên cứu của Ba Lan.
TTXVN - Sáng 6/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Warsaw, Ba Lan tổ chức Hội nghị “Hợp tác khoa học Việt Nam và Ba Lan - Một khởi đầu mới”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, diễn ra trong hai ngày (6-7/11) và tham quan khảo sát thực địa trong hai ngày (8-9/11), 250 đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận 3 chủ đề về “Địa chất và tài nguyên khoáng sản”, “Thiên tai và bảo vệ môi trường” và “Khảo cổ học và địa khảo cổ học”. Đây là dịp quan trọng để các đại biểu có cơ hội học hỏi, trao đổi và thảo luận về những nghiên cứu tiên tiến, công nghệ mới trong lĩnh vực khoa học địa chất và các liên ngành khác như khảo cổ, xã hội, lịch sử…của Việt Nam và Ba Lan; từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả của khoa học địa chất trong thực tiễn.
Giáo sư Anna Wysocka, Viện Khoa học địa chất, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan cho biết, Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác khoa học giữa các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và các trường đại học, viện nghiên cứu của Ba Lan. Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo, chuyên gia của các đơn vị gặp gỡ, thảo luận về các kết quả nghiên cứu, đồng thời thảo luận về việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan. Ngoài ra, Hội nghị cũng là dịp để hai bên trao đổi kinh nghiệm, thông tin và ý tưởng hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học địa chất và khoáng sản, bảo vệ môi trường, đào tạo chuyên gia giữa Việt Nam và Ba Lan.
Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950 đến nay, Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch… Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, trong đó trên 100 cán bộ ngành địa chất và khoáng sản.
Ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện Chiến lược trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác. Mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự giúp đỡ của Ba Lan trước đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự trưởng thành nhanh chóng của ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Ba Lan rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Để tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản làm đầu mối xây dựng một số chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác Ba Lan trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; đồng thời chuẩn bị các hồ sơ kỹ thuật, tiến tới xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan ở Việt Nam trong tương lai do Ba Lan tài trợ.
Ông Trần Quý Kiên mong muốn, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết hợp tác chính thức với cơ quan tương ứng của Ba Lan nhằm hướng tới nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác khoa học- công nghệ giữa hai nước hiệu quả, thiết thực, vì lợi ích của hai dân tộc.
Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, xác định những ưu tiên về hợp tác khoa học công nghệ, những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan đã ký kết Thỏa thuận hợp tác khoa học về lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Trong khuôn khổ Thỏa thuận, hai bên cam kết hỗ trợ nhau trong việc tổ chức các sự kiện khoa học; cùng nhau thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu song phương; mở các khóa đào tạo ngắn hạn; trao đổi nghiên cứu sinh; trao đổi các thông tin, nguyên vật liệu và ấn phẩm khoa học…Thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh hy vọng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học với Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan trong lĩnh vực như: Khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật môi trường, khai thác mỏ, địa chất, khoa học sinh học năng lượng…/.