Doanh nghiệp hai nước đang tìm kiếm đối tác có năng lực để hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
TTXVN - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) và Ủy ban Hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản (VJC) tổ chức Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2023 (Japan ICT Day 2023) từ ngày 31/10 đến ngày 1/11, tại Hà Nội. Chương trình gồm hội thảo, thăm và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và kết nối hợp tác (networking) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang hợp tác với Nhật Bản, thu hút khoảng 1.000 lao động (như Rikkeisoft, VMO, VTI, Fujinet, Luvina…), hàng chục doanh nghiệp có từ 500-1.000 lao động và hàng trăm doanh nghiệp sở hữu 100 - 500 lao động. Khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đã và đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho phía đối tác Nhật Bản. Từ đó, trình độ công nghệ của lao động Việt Nam được nâng cao. Từ chỗ chỉ tham gia công đoạn đơn giản như viết phần mềm (code), thử nghiệm sản phẩm (test), tới nay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu, thiết kế, triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI0, chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR/XR)...
Doanh nghiệp hai nước đang tìm kiếm đối tác có năng lực để hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam Nhật Bản nhận định: Thời gian tới, doanh nghiệp 2 nước sẽ tập trung vào các dự án chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực. Các lĩnh vực hợp tác dự kiến sẽ phát triển nhanh và mạnh gồm sản xuất công nghiệp, công nghiệp ô tô, tài chính bảo hiểm, an toàn thông tin và công nghiệp bán dẫn.
Theo khảo sát về kinh doanh xuyên biên giới của JISA, 4 mảng trọng tâm trong lĩnh vực công nghệ thông tin gồm: Cung cấp sản phẩm toàn cầu; thuê ngoài các nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực và đầu tư nước ngoài. Khu vực ASEAN và Việt Nam được xem là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác sâu, rộng trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin với nước ta.
Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng của Việt Nam. Nhiều năm qua, hoạt động hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân… được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Nhật Bản nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.830 dự án, tổng vốn trên 64 tỷ USD. Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 và được Nhật Bản ưu tiên lựa chọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cơ hội hợp tác nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam và Nhật Bản rất lớn. Để tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 nước cũng như các quốc gia khác, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến trình Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản, diễn ra hằng năm (từ năm 2007). Chương trình được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức Nhật Bản, sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, tổ chức công nghệ thông tin hai nước./.
- Từ khóa:
- Việt Nam
- Nhật Bản
- công nghệ thông tin
- chuyển đổi số