Thực thi chính sách

Phát triển công nghệ bảo quản, chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp

Vĩnh Long

Tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) để tạo đà cho việc áp dụng cơ giới hóa và thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp thông minh.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 26/10, Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp (Chương trình KC.07/21-30), thuộc Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp ứng dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long và vùng phụ cận”.

Các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển công nghệ bảo quản, chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp như xu hướng, thực trạng và định hướng đề xuất nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình KC.07/21-30; thực trạng và định hướng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Long và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ trái cây Việt Nam...

Các đại biểu đề xuất một số nhiệm vụ ưu tiên hỗ trợ khoa học và công nghệ trong thời gian tới thông qua việc định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình KC.07/21-30; thúc đẩy phát triển các chế phẩm sinh học từ phụ phẩm thủy sản, ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản, chế biến thực phẩm; quan tâm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển bền vững và giảm thiểu dấu chân carbon trong ngành chế biến thực phẩm; đồng thời tăng cường cơ giới hóa và áp dụng chuyển đổi số hướng đến nền nông nghiệp thông minh…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn - Chủ nhiệm Chương trình KC.07 cho biết, chương trình có 5 nội dung gồm: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến trong sơ chế bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến và phù hợp trong chế biến phụ phẩm nông lâm thủy sản, ưu tiên các công nghệ thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị đặc thù trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản gắn với vùng sản xuất tập trung có tiềm năng và lợi thế phát triển của các vùng, miền; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy, thiết bị, dây chuyền thiết bị tiên tiến trong canh tác, nuôi trồng một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng phát triển ở quy mô công nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện công nghệ, tích hợp các giải pháp kỹ thuật mới để phát triển một số mô hình sản xuất tiên tiến, đồng bộ theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Khung Chương trình KC.07/21-30 đã bám sát định hướng mục tiêu của Chiến lược phát triển Cơ giới hóa nông nghiệp và Công nghệ chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp 2021 - 2025 và các đề án phát triển ngành rau quả, thủy sản, chăn nuôi, gỗ và lâm sản ngoài gỗ…nhằm ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến. Qua đó, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, hướng đến việc làm chủ được công nghệ chế tạo máy, thiết bị, dây chuyền thiết bị tiên tiến phù hợp với điều kiện ứng dụng tại Việt Nam...

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Bích (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch trong giai đoạn 2011-2020 nhưng tốc độ tăng đang là nghịch lý với chỉ số chung về tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua khảo sát cho thấy mức trang bị động lực trong sản xuất lúa hiện là 3,16 mã lực (CV)/ha - cao nhất so với cả nước. Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong một số khâu như làm đất đạt 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 85%, thu hoạch đạt 95% …Tuy nhiên, tổng tổn thất sau thu hoạch lại ở mức cao khoảng 10,26 % tổng sản lượng lúa.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Bích cho rằng, tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần tăng số lượng và chất lượng sản xuất, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng lao động của con người. Đại biểu đề xuất cần phải thực hiện hiệu quả việc dồn điền đổi thửa, cải tạo san phẳng để dễ dàng cơ giới hóa, xây dựng các vùng chuyên canh để thuận lợi cho cơ giới hóa. Cùng với đó, các chính sách tín dụng hợp lý sẽ tác động tương hỗ giúp nông dân phát triển và giàu có. Vấn đề thứ hai được đặt ra là cần xây dựng chính sách quốc gia về chế tạo máy nông nghiệp, để nâng cấp công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và tạo chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước…

Đại biểu đề xuất phải tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) để tạo đà cho việc áp dụng cơ giới hóa và thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp thông minh; đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đồng bộ cho một số cây trồng và vật nuôi chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng chính sách đồng bộ về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng mục tiêu thực hiện nền sản xuất nông nghiệp thông minh.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp là một trong các ngành kinh tế - kỹ thuật được đánh giá quan trọng, tác động lớn đến tỷ trọng xuất, nhập khẩu quốc gia. Chương trình KC.07/21-30 là một Chương trình Khoa học và Kỹ thuật trọng điểm hỗ trợ phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch và cơ giới hóa trong nông nghiệp với mục tiêu cơ bản là làm chủ được và ứng dụng, phát triển thành công các công nghệ tiên tiến phù hợp vào thực tiễn, nhằm đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản.

Hội thảo là cơ hội để cập nhật thực trạng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp của vùng miền trong thời gian vừa qua, đồng thời trao đổi thông tin về nhu cầu thực tế, về năng lực đáp ứng yêu cầu khoa học, cũng như thế mạnh của mỗi đơn vị, vùng miền. Qua hội thảo, các đơn vị đề xuất các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết những vấn đề cốt yếu hiện nay đã được thể hiện trong Khung Chương trình KC.07/21-30, góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn tới./.

Lê Thúy Hằng

Xem thêm