Khóa học là minh chứng cho mối quan hệ quốc phòng song phương ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Canada.
TTXVN - Ngày 30/10, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Lễ Khai mạc Khóa Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc năm 2023 do Việt Nam và Canada đồng chủ trì trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác huấn luyện Quân sự (MTCP) của Canada.
Đây là lần thứ hai Việt Nam và Canada đồng tổ chức Khóa huấn luyện Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cũng là khóa huấn luyện chuyên sâu quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thứ hai được tổ chức tại Việt Nam với sự phối hợp Việt Nam và Canada trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thời gian qua, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Canada luôn quan tâm, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, nhất là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với nhiều hoạt động thực chất, hiệu quả. Khóa huấn luyện lần này góp phần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình giữa Việt Nam - Canada đã được ký kết vào tháng 9/2023 trong khuôn khổ Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2 tại Canada năm 2023, nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn bày tỏ tin tưởng, các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực như Khóa huấn luyện sẽ là cơ hội tốt để các giảng viên, học viên của Việt Nam và các quốc gia đối tác trong Chương trình Hợp tác huấn luyện Quân sự của Canada trao đổi, chia sẻ các nội dung thiết thực, chuyên sâu về nhiệm vụ, kế hoạch, triển khai bảo đảm hậu cần Liên hợp quốc, cũng như nhiệm vụ cụ thể của Sĩ quan Hậu cần tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đánh giá Khóa học là minh chứng cho mối quan hệ quốc phòng song phương ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Canada, bà Leigh Mccumber, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho hay, thời gian tới, Canada và Việt Nam sẽ đồng tổ chức thêm hai khóa học là Khóa huấn luyện Sĩ quan Tham mưu Liên hợp quốc và Khóa huấn luyện về Quy trình lập kế hoạch diễn tập.
"Sự hợp tác song phương ngày càng phát triển của chúng ta, được minh chứng bằng khóa đào tạo ngày hôm nay, diễn ra trong bối cảnh Canada đang mở rộng hoạt động của mình trong khu vực thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược đưa ra cách tiếp cận toàn diện của Chính phủ Canada đối với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, hiện tại và trong tương lai... Các giá trị và ưu tiên chung của Canada và Việt Nam, bao gồm cả những ưu tiên liên quan đến hoạt động hỗ trợ hòa bình và Chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác trao đổi trong tương lai theo Chương trình Hợp tác và Đào tạo quân sự và hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Canada mong muốn xác định và hiện thực hóa các sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước", bà Leigh Mccumber chia sẻ.
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, Khóa huấn luyện Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên ngành về công tác hậu cần Liên hợp quốc ở cấp Sở Chỉ huy Phái bộ cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan các nước đối tác; qua đó tăng cường quan hệ hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa Việt Nam với Canada cũng như các nước trong khuôn khổ chương trình này.
Khóa học tập trung trang bị kiến thức cơ bản về Liên hợp quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kiến thức chuyên sâu về công tác bảo đảm hậu cần của phái bộ Liên hợp quốc như: Hệ thống bảo đảm hậu cần gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; các giai đoạn bảo đảm hậu cần cho một phái bộ; hướng dẫn về bảo đảm trang bị của nước cử quân; quy trình và hướng dẫn chuyến khảo sát đến phái bộ; quy trình và hướng dẫn về chuyến thăm kiểm tra tiền triển khai của Liên hợp quốc đến nước cử quân; nguyên tắc, quy trình đàm phán về ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa nước cử quân và Liên hợp quốc; quy trình kiểm tra, thẩm định trang bị; thủ tục bồi hoàn, vấn đề vận chuyển, bảo trì, bảo dưỡng, cung cấp bổ sung phụ tùng thay thế; triển khai, luân phiên thay thế lực lượng và kết thúc nhiệm vụ tại phái bộ trở về nước.
Khóa huấn luyện có sự tham gia hướng dẫn, giảng dạy của 6 giảng viên và cán bộ điều phối giàu kinh nghiệm chuyên môn và hoạt động thực tiễn của Cananda, cùng sự tham dự của khoảng 40 học viên thuộc 10 quốc gia đối tác của Chương trình Hợp tác huấn luyện Quân sự (MTCP) của Canada, gồm: Bangladesh, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Để Khóa huấn luyện đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, Đại tá Phạm Mạnh Thắng đề nghị các học viên nỗ lực tối đa, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận dụng thời gian, tập trung học tập, nghiên cứu, trao đổi... để nắm chắc kiến thức, kỹ năng cần thiết, làm cơ sở để thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai công tác bảo đảm hậu cần và hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc trong tương lai./.