Khoa học

Giải pháp thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu và tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ phát biểu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

TTXVN - Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Thành phố Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển", chiều 2/11, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Cần Thơ - Trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tìm ra giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong dài hạn.

Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, thành phố đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, các kết quả nghiên cứu cũng như liên kết phát huy thế mạnh của địa phương, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng; thu hút khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy thành phố Cần Thơ phát triển mạnh mẽ trở thành trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và chính sách - Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhận định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là bệ đỡ phát triển kinh tế thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách nhanh và bền vững.

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh về khoa học công nghệ, ông Nguyễn Võ Hưng cho biết, thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu và tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hình thành; các sự kiện xúc tiến thị trường được tổ chức thường xuyên, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng. Cần Thơ cũng đã hình thành sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn) giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin, kết nối nhu cầu công nghệ.

Cùng với đó là các chủ trương, chính sách của Bộ Chính trị và Chính phủ như: Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NG/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... hướng tới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội cho thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khoa học, công nghệ.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố Cần Thơ là một trong số địa phương có các thị trường khoa học, công nghệ nổi bật.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường khoa học, công nghệ Cần Thơ đồng bộ, hiện đại và hội nhập, bà Phạm Thị Hồng Hạnh kiến nghị thành phố Cần Thơ ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, làm căn cứ để triển khai hiệu quả Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030.

Thành phố tiếp tục triển khai các sự kiện xúc tiến thị trường, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối với các vùng và địa phương trong cả nước; bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ thành sàn giao dịch công nghệ cấp vùng, đảm bảo hạ tầng để kết nối với sàn giao dịch công nghệ trực tuyến quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thị trường khoa học.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Kim Tước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Innotek nhận định: Để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự phối hợp và tương tác giữa nhiều nguồn lực khác nhau; trong đó, hợp tác công tư đã và đang trở thành mô hình hợp tác có hiệu quả nhằm tăng cường hơn nữa và tạo động lực cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Để kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường đại học đến tay doanh nghiệp thành sản phẩm khoa học, công nghệ thì các trường đại học, viện nghiên cứu phải chuyên nghiệp hóa trong mua bán kết quả nghiên cứu; kết quả nghiên cứu cần chuyển qua bước trung gian (doanh nghiệp) để phát triển công nghệ thành sản phẩm thương mại hóa. Trong khi đó, nhà nước đóng vai trò đầu tư tài chính, hạ tầng để các trường có điều kiện nghiên cứu", ông Kim Tước khuyến nghị.

Từ những đóng góp, kiến nghị của các bên liên quan kỳ vọng sẽ được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, thúc đẩy sự sáng tạo trong tư duy, bứt phá trong hành động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Thu Hiền

Xem thêm