An sinh

Hưng Yên hoàn thành việc hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Hưng Yên

Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhanh gọn, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm hồ sơ, thủ tục đúng thời hạn.

Nhân viên bảo hiểm y tế Hưng Yên hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

TTXVN - Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2022 đến 9/2022 cho hơn 4.150 đơn vị, gồm hơn 200.000 người lao động trên địa bàn tỉnh, với số tiền khoảng hơn 101 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 400 người lao động, với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Có được kết quả này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhanh gọn, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động làm hồ sơ, thủ tục đúng thời hạn, nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố để số tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động đúng, đủ và kịp thời.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên thực hiện giảm mức đóng 1% Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến 4.050 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với hơn 190.000 người lao động.

Tổng số tiền giảm 1% từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 là 125 tỷ đồng, trong đó, số tiền đã giảm 1% từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021 là 32 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 215.000 người lao động với số tiền hơn 506 tỷ đồng.

Để triển khai nhanh và hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tích cực hướng dẫn cụ thể, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện phương châm "Rút ngắn thời gian giải quyết, không phát sinh thủ tục, hồ sơ" để người lao động và các đơn vị sử dụng lao động nhận được hỗ trợ sớm nhất; đồng thời, kịp thời tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc phát sinh để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động../

P.V

Tin liên quan

Xem thêm