An sinh

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chung tay gỡ vướng trong cung ứng thuốc, vật tư y tế

Hà Nội

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc trong việc thiếu thuốc và vật tư y tế; chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các địa phương tạm ứng, thanh quyết toán đầy đủ...

Số lượng thuốc tại các cơ sở y tế còn lại không nhiều và không đa dạng. (Nguồn: TTXVN phát)

(TTXVN) Đến nay, việc cung ứng thuốc đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, chỉ còn lác đác một số bệnh viện bị thiếu thuốc. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động hơn trong đảm bảo cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân phải tự túc mua thuốc là vấn đề rất đau lòng

Trong khoảng thời gian từ tháng 6-8 vừa qua, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến cuối như Chợ Rẫy, Bạch Mai… xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, gồm cả thuốc hiếm, biệt dược để dùng cho điều trị chuyên sâu và một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Để duy trì sức khỏe của mình, người bệnh bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh đã buộc phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài.

Nêu quan điểm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết “chúng tôi biết có những bệnh nhân phải tự túc mua thuốc, vật tư y tế theo chỉ định của bác sỹ và trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn không có thuốc… Chúng tôi thấy, đây là vấn đề rất đau lòng, thấy có trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội trong bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”.

Theo ông Lê Văn Phúc, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội là cùng ngành Y tế bảo vệ quyền lợi của người bệnh. Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã nêu rõ, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc người bệnh phải đi mua thuốc là việc ngoài ý muốn, do trong bệnh viện không đủ thuốc hoặc không có thuốc mà người bệnh phải sử dụng.

“Để bệnh nhân đi mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài vừa tốn kém, vừa không bảo đảm, khó quản lý về chất lượng bởi nhiều loại thuốc yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt. Nếu sau này được thanh toán, sẽ phát sinh thủ tục cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội và người bệnh. Thêm nữa, khó tránh được tình trạng lạm dụng, trục lợi. Giá cả thế nào, hóa đơn chứng từ ra sao, chưa kể câu chuyện thân quen, bệnh viện thông đồng với bệnh nhân chỉ định một số loại thuốc để đi ra ngoài mua để thanh toán. Đó là hệ lụy của việc bệnh nhân khi đến bệnh viện phải đi mua thuốc”, ông Phúc phân tích.

Cơ bản đáp ứng thuốc cho yêu cầu điều trị

Trước tình hình trên, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế, Bảo hiểm Xã hội đã cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nỗ lực vào cuộc tháo khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc trong việc thiếu thuốc và vật tư y tế; chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các địa phương tạm ứng, thanh quyết toán đầy đủ, đúng quy định để cơ sở có nguồn lực mua sắm thuốc, vật tư bảo vệ quyền lợi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý là việc Bộ Y tế công bố kết quả 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia có tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng. Số danh mục thuốc trúng thầu đều là các thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn như kháng sinh, điều trị tim mạch, ung thư, tiêu hóa, tiểu đường...

Đây là số thuốc chủ yếu cho các cơ sở khám, chữa bệnh đã ký hợp đồng để cung ứng. Việc gia hạn kịp thời số đăng ký của một số loại thuốc, công bố các mã vật tư y tế… đã hỗ trợ cho việc đảm bảo mua thuốc, vật tư y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh. Đến nay, về cơ bản, các cơ sở khám, chữa bệnh đã từng bước chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, việc thiếu thuốc chỉ còn lác đác một số bệnh viện.

Với chi phí mà người bệnh đã bỏ ra để mua thuốc chữa bệnh thời gian qua, ông Phúc cho hay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế trình xin cơ chế để xử lý. Khi Bộ Y tế có hướng dẫn đối với việc chi trả này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục để được thanh toán. “Chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ Y tế trong việc thanh toán trực tiếp đối với người bệnh phải mua thuốc”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, vị Trưởng ban này cũng nhấn mạnh, khi có đủ thuốc, bệnh viện không được để bệnh nhân tự mua thuốc. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục cùng ngành Y tế thực hiện các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Chính phủ là đảm bảo được thuốc, vật tư y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế.

Ông Lê Văn Phúc thông tin, đến hết ngày 31/12/2022, nhiều gói thầu sẽ hết hiệu lực hợp đồng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội 63 tỉnh, thành phố nhắc địa phương thực hiện kịp thời gói thầu mới để nối tiếp vào gói thầu cũ. Hơn 10 nghìn loại thuốc được gia hạn tự động, sẽ hết hạn vào tháng 12 tới, cần xin cơ chế gia hạn tự động, hoặc phải có giải pháp để tiếp tục, nếu hết hiệu lực, không được gia hạn sẽ gây ách tắc trong mua sắm thuốc. Ông cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá để mua được thuốc biệt dược gốc, thuốc tối cần thiết cho công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh, bảo đảm tốt nhất các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm