Nhờ chủ động phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin đồng bộ mà nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện khá thành công trong việc chuyển đổi số.
TTXVN - Tỉnh Vĩnh Phúc đang yêu cầu các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển đổi số.
Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cho dù mới khởi đầu nhưng đã đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, công tác cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện, môi trường, đồng thời giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu người đứng đầu cơ quan nhà nước phải chủ động và chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Với những nỗ lực trên, năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuyển biến tích cực, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.
Để thực hiện hiệu quả công việc trên, trước hết Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tuyên truyền về những mô hình hay, việc làm thiết thực của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ công nghệ cộng đồng về chuyển đổi số; quảng bá các giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hiện, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật, bảo đảm an toàn an ninh thông tin và điều kiện vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu.
Toàn tỉnh đã có 2.888 trạm thu phát sóng thông tin di động; 2 trạm phát sóng 5G và phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%; 1.246 nghìn thuê bao điện thoại di động (trong đó 950 nghìn thuê bao sử dụng điện thoại thông minh); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng cố định là 67%; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 96%, các sở, ban, ngành đạt 99%, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đạt 96%, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đạt 93%...
Nhờ chủ động phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin đồng bộ mà nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện khá thành công trong việc chuyển đổi số.
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đến hết tháng 9/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành 11/11 chỉ tiêu chuyển đổi số tỉnh giao.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia và triển khai ứng dụng bảo hiểm xã hội số; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan bổ sung, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phục vụ cho việc đồng bộ dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án số 06 của Chính phủ...
Vĩnh Phúc có gần 530 nghìn người có căn cước công dân đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 47% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế. Tính từ ngày 1/3 đến 12/9/2022, toàn tỉnh có 165/179 cơ sở y tế tra cứu thành công căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy, đạt trên 92%; trên 14.600 trẻ em được cấp thẻ bảo hiểm y tế qua trục liên thông dữ liệu Bộ Tư pháp. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4 cả 25/25 thủ tục, đạt tỷ lệ 100%; thực hiện giao dịch điện tử với 100% các đơn vị, doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc được coi là đơn vị tiên phong về chuyển đổi số. Hàng loạt công nghệ mới được công ty này áp dụng tạo ra hiệu quả cao đối với công tác quản lý vận hành lưới điện và sản xuất kinh doanh; đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa, các trạm biến áp 110 kV không người trực, các thiết bị kiểm tra hệ thống điện từ xa, văn phòng số, công tơ điện tử, thanh toán trực tuyến và các phần mềm góp phần cải thiện nhiều chỉ số chăm sóc khách hàng, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng là đơn vị đang tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp, hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế trong việc chấp hành chính sách pháp luật về thuế. Đến nay, tỷ lệ người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế theo phương thức điện tử đạt 99%, nộp thuế điện tử đạt hơn 95%, việc quản lý đăng ký mã số thuế, quản lý thông tin người nộp thuế được giám sát chặt chẽ, đúng quy định...
Để tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số tốt hơn, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh) khẩn trương hoàn thành các bước xây dựng 2 Nghị quyết trình HĐND tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan tiếp tục rà soát, kiểm tiến độ, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các Kế hoạch, các Văn bản chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước..../.