Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” nhằm hỗ trợ các điểm du lịch đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan theo hướng khoa học, thuận tiện.
TTXVN - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, toàn ngành đang tích cực đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Cục đã xây dựng hệ sinh thái số dùng chung như nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch, ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Thẻ du lịch thông minh, đặc biệt là Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, với ưu điểm vượt trội, hệ thống vé điện tử là hướng đi đột phá, phù hợp với bối cảnh công nghệ số phát triển hiện nay. Việc thực hiện bước đầu cho thấy, hệ thống vé điện tử được du khách trong và ngoài nước, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ, nhân viên tại điểm đến đánh giá cao. Đây là một giải pháp mới nhằm hỗ trợ các điểm tham quan, bảo tàng, khu di tích đổi mới phương thức bán và soát vé tham quan, tạo thuận lợi cho cả ba bên: khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và ban quản lý điểm đến.
Gần đây nhất, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) triển khai hệ thống vé điện tử, khách tham quan không bắt buộc phải đến tận quầy để mua vé, có thể chủ động mua vé trực tuyến từ bất kỳ nơi đâu, tự soát vé bằng nhiều phương thức nhanh gọn, dễ dàng. Trước đó, hệ thống này đã được triển khai áp dụng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Đền Quán Thánh.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa chia sẻ: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” nhằm hỗ trợ các điểm du lịch đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát, báo cáo thống kê theo hướng khoa học, thuận tiện. Sự khác biệt này thể hiện thông qua ba từ khóa quan trọng “Trực tuyến”, “Liên thông” và "Đa phương thức”.
Theo đó, “Trực tuyến” là hỗ trợ du khách, công ty lữ hành, hướng dẫn viên đặt mua vé trực tuyến thông qua Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”. Liên thông là việc hỗ trợ các điểm du lịch có thể liên kết bán vé tham quan liên tuyến, mua vé một lần ở một điểm và sử dụng ở nhiều điểm. Hướng tới liên thông giữa các dịch vụ du lịch, vận tải, y tế, ngân hàng… “Đa phương thức” là du khách có thể sử dụng một trong 3 phương thức khác nhau để sử dụng vé vào cửa. Đó là vé điện tử in tại quầy; vé tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và vé tích hợp trên Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh. Với tính năng vé tập thể, vé đoàn đã cho phép khách đi theo đoàn có thể sử dụng một vé duy nhất thay vì mỗi người một vé như cách truyền thống...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Việc áp dụng hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” sẽ tạo thuận lợi cho khách đến tham quan, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng, thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt. Mặt khác, hệ thống giúp tăng tính chủ động cho các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên trong việc đưa khách đến tham quan; loại bỏ vé giấy truyền thống, tiết kiệm chi phí, giảm rác thải, bảo vệ môi trường. Đây là công cụ hữu hiệu cho ban quản lý điểm đến kiểm soát, nắm bắt được nhu cầu, hành vi, xu hướng của du khách, tăng tính liên kết giữa các điểm đến, dịch vụ công cộng mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Báo cáo Năng lực phát triển du lịch và lữ hành năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (phát hành vào tháng 5/2022) có chủ đề là “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường” cho thấy, ngày càng nhiều dịch vụ du lịch và lữ hành được tiếp cận qua các nền tảng số, như: đại lý lữ hành trực tuyến, nền tảng kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, ứng dụng trên các thiết bị di động… tạo thuận lợi tối đa cho du khách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thúc đẩy du lịch liền mạch. Công nghệ số giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý thu thập được thông tin, đặc điểm của người dùng, từ đó tối ưu hóa hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, cắt giảm chi phí, tăng cường tự động hóa quy trình.
Nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo về thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là “Ưu tiên phát triển du lịch số là lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao” theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển Hệ sinh thái du lịch thông minh.../.