An toàn giao thông

Hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7: Tham gia giao thông Xanh-Sạch-An toàn

Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2023, WHO và các đối tác khác của Liên hợp quốc kêu gọi các cơ quan hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội thực hiện "đổi mới tư duy về giao thông”.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: nguồn TTXVN)

TTXVN - Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức sáng 14/5.

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ. Đáng buồn là Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động này - với khoảng 17 người thiệt mạng do tai nạn giao thông mỗi ngày vào năm 2022 và nhiều người khác bị thương nặng. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi tại Việt Nam.

“Không chỉ thiệt hại về người, tai nạn giao thông cũng gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam với khoảng 2,9% GDP mỗi năm do chi phí điều trị và năng suất lao động bị giảm sút. Điều này hoàn toàn có thể tránh được”, Tiến sỹ Angela Pratt nói.

Theo bà Angela Pratt, Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm nay, WHO và các đối tác khác của Liên hợp quốc kêu gọi các cơ quan hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội thực hiện "đổi mới tư duy về giao thông”.

Tháng 5/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Kế hoạch toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì an toàn giao thông đường bộ, với mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và thương tích do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn cầu đến năm 2030.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: nguồn TTXVN)

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giảm số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ từ 5 - 10% mỗi năm. Điều này đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, bao gồm giao thông, công an, y tế và giáo dục, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn đường giao thông để bảo vệ những người có nguy cơ bị thương tích cao nhất: trẻ em và thanh, thiếu niên, người khuyết tật, người đi bộ, người đi xe đạp và người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, cũng cần hành động để cải thiện an toàn phương tiện, và đảm bảo, nếu xảy ra va chạm, những người bị thương được tiếp cận với dịch vụ cấp cứu kịp thời, hiệu quả.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chúc mừng những bước tiến Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng văn hóa an toàn giao thông đường bộ hiệu quả thông qua việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật giao thông và quan tâm đến những người tham gia giao thông khác.

Để thúc đẩy những nỗ lực hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia, Tiến sỹ Angela Pratt đề xuất 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: quy định về ghế an toàn cho trẻ em và sử dụng dây an toàn cho tất cả các ghế trong ô tô; quy định giới hạn tốc độ chạy xe thấp hơn quanh khu vực trường học; thúc đẩy việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm, xây dựng tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên sử dụng xe máy, xe đạp điện; thực thi nghiêm ngặt chính sách cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe; tiếp tục đầu tư cải thiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới và hiện có.

“WHO tự hào được đồng hành với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành và các đối tác khác và tin rằng với cơ sở hạ tầng, luật pháp và văn hóa an toàn đường bộ phù hợp, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu an toàn đường bộ của Việt Nam, cùng nhau bảo vệ và cứu sống nhiều người hơn”, Trưởng Đại diện WHO chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2022, bình quân mỗi ngày có 17 người chết vì tai nạn giao thông; số này đã giảm đi gần một nửa so với cách đây hơn 10 năm, thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của người dân. Tuy tai nạn giao thông giảm, thiệt hại do tai nạn giao thông giảm, nhưng một ngày chúng ta vẫn mất đi 17 người, đó là con số thống kê trực tiếp tại hiện trường, còn phía sau đó, nếu thống kê đầy đủ thì thiệt hại vẫn rất lớn.

“Mỗi năm nước ta tăng trưởng GDP từ 6-8%, nhưng mất gần 3% GDP do tai nạn giao thông. Điều đó cho thấy những nỗ lực để phát triển đất nước, con người Việt Nam bị ảnh hưởng rất to lớn do tai nạn giao thông gây nên. Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cấp ủy, chính quyền các cấp có cam kết rất mạnh trong thực hiện các quy định pháp luật và những chính sách để cải thiện an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường bộ nói riêng”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, luôn cam kết và cùng Đại hội đồng Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thực hiện các chính sách để cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Gần 90% nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam vẫn bằng xe máy, nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn, nhưng Việt Nam đã đưa ra những cam kết hết sức mạnh mẽ.

Hưởng ứng Chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021-2030” theo Nghị quyết A/74/L.86 ngày 1/9/2020 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 119/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2023, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, diễn ra từ ngày 15-21/5/2023.

Theo Kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu, nhiều hoạt động được tổ chức thống nhất từ trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đến các địa phương, thiết thực và hiệu quả nhằm kêu gọi người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tham gia giao thông Xanh-Sạch-An toàn, thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ; khi lái xe luôn tuân thủ quy định về tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ.

“Việc tổ chức sự kiện tại nhà ga Cát Linh cũng nhằm tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của hành động tham gia giao thông an toàn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Nhân sự kiện này, ông cũng kêu gọi mỗi người đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày trong vòng một tháng, thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe...

Tại sự kiện, Tổng giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên của Hà Nội Metro và hành khách đã, đang và sẽ sử dụng đường sắt đô thị nói riêng, phương tiện vận tải công cộng nói chung, tích cực hưởng ứng các hoạt động của “Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu” tại Việt Nam năm 2023. "Hãy thay đổi từ nhận thức và có những hành động cụ thể trong tham gia giao thông và lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày, cùng chung tay để giao thông Thủ đô ngày càng xanh, sạch, an toàn”./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm