Thời sự

Khắc phục hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách tại địa phương

Những năm qua, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng những lợi thế, ưu điểm, cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Quang cảnh Phiên thảo luận
Ảnh: TTXVN

Tham luận tại Hội thảo "Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển" diễn ra ngày 3/7, các đại biểu cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công mà còn góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách tại địa phương.

* Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật

Nhiều ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm đánh giá cao những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước đối với công tác hoàn thiện văn bản pháp luật, văn bản quản lý trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam bày tỏ ấn tượng khi nhắc đến những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông Lê Minh Nam, các tồn tại liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng, tác động rất lớn đến việc quản lý, điều hành, và tác động này mang tính chất lan tỏa đến cả toàn xã hội. Vì vậy, những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về hoàn thiện văn bản pháp luật, hoàn thiện chính sách nếu được các cơ quan thực hiện việc khắc phục kịp thời thì nó sẽ giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý, giúp nâng cao hiệu quả của quản lý.

Đặc biệt là, các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước dựa trên nền tảng quy định pháp luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và quan trọng là xem xét dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, không phải theo cảm tính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, các sở, ngành. Ông Nguyễn Văn Thi cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm bất hợp lý của các văn bản do địa phương ban hành, sự chưa phù hợp với quy định của trung ương và điều kiện thực tiễn của địa phương. Những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về nội dung này đã được tỉnh Thanh Hóa tiếp thu một cách toàn diện, kịp thời

Theo ông Nguyễn Văn Thi, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Kiểm toán nhà nước đã hỗ trợ địa phương bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước, của HĐND và UBND tỉnh theo luật định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục giúp địa phương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, giúp cho các sở, ngành, các địa phương nắm được những lĩnh vực phức tạp như Luật đất đai, tài sản công và vấn đề liên quan đến môi trường, liên quan đến khoáng sản…

*Khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách

Các đại biểu đánh giá cao những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào của Kiểm toán Nhà nước sau 30 năm xây dựng và phát triển. Những năm qua, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng những lợi thế, ưu điểm, cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chia sẻ, việc tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành về việc sử dụng tài sản công sẽ tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khu vực nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.

 Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chia sẻ tại Hội thảo
Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, thời gian gần đây, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn, tính thời sự được xã hội quan tâm, chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên. Nhiều cuộc kiểm toán đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đưa ra những ý kiến tư vấn thiết thực định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn; giảm chi, tiết kiệm, tạo thêm nguồn lực tài chính cho địa phương. Quan trọng hơn, hoạt động kiểm toán giúp các đơn vị được kiểm toán đã và đang khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương; giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những sai sót trong công tác quản lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai hàng chục đoàn kiểm toán tại Ủy ban cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch hằng năm, với các loại hình kiểm toán rất đa dạng, phong phú từ kiểm toán về tài chính, kiểm toán về vấn đề tái cơ cấu, kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán chuyên đề xây dựng cơ bản cũng như là tái cơ cấu doanh nghiệp và kiểm toán vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp.

Các thông tin của Kiểm toán Nhà nước góp phần giúp cho Ủy ban cũng như các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đưa ra những quyết định đúng đắn trong thực hiện các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển được vốn của doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước còn giúp cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi các cơ chế, chính sách, tạo ra được hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp và khuyến nghị đưa ra các quy định để bịt các lỗ hổng, tránh thất thoát tài sản nhà nước khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều khuyến nghị hiệu quả và thiết thực từ Kiểm toán Nhà nước, giúp Ủy ban thực hiện tốt các hoạt động quản lý vốn và tài sản nhà nước; đảm bảo hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao./.

Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm