“Khi phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán, qua đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán”.
Đây là khẳng định của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khi trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 chiều 2/7 tại Hà Nội.
*Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra
Tại cuộc họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi: "Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán, vậy trong số này có bao nhiêu cuộc được chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra, Kiểm toán Nhà nước có gặp khó khăn vướng mắc hay không?"
Trả lời nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước; đồng thời, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công.
Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Kiểm toán Nhà nước luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra.
Cho biết để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc, cần có thời gian để điều tra, xác minh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khẳng định, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ có các văn bản quy chế, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng có liên quan.
* Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán
Trả lời câu hỏi liên quan đến kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước Lưu Trường Kháng cho biết, nhiều năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã có những động thái để tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành.
Vào năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước với nhiệm vụ chính là tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động kiểm toán, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Kiểm toán Nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Kiểm toán Nhà nước, qua đó nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Sau khi có Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã quán triệt, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần của Quy định.
Quý IV/2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai xây dựng các văn bản quản lý về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra và Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Tổ soạn thảo hoàn thành việc xây dựng văn bản quản lý trong quý I, II năm 2024.
Theo đó, các Tổ soạn thảo đã xây dựng dự thảo Quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, đã cụ thể hoá Điều 4 của Quy định số 131-QĐ/TW về những hành vi không được làm trong dự thảo Quy chế, được áp dụng đối với Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra Kiểm toán Nhà nước. Ngày 1/7/2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký quyết định ban hành Quy chế này.
Đối với các văn bản quản lý về công tác thanh tra, bao gồm: Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Kiểm toán Nhà nước; Quy trình thanh tra của Kiểm toán Nhà nước; Quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Kiểm toán Nhà nước, các Tổ soạn thảo đã tổ chức họp, xây dựng đề cương chi tiết, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ soạn thảo để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ hoàn thành trong quý III/2024.
Chánh Thanh tra Lưu Trường Kháng cũng cho biết, bên cạnh những quy trình, quy chế nêu trên, hằng năm, Kiểm toán Nhà nước là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.
Trong thời gian tới, Thanh tra Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò thanh tra, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh tra công chức, công vụ; đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán, qua đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán./.
Đỗ Bình