Thời sự

Đà Nẵng xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Đà Nẵng

UBND thành phố Đà Nẵng đã đưa ra một số kịch bản về 7 loại hình thiên tai chủ yếu.

Toàn cảnh hội nghị.
 Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Ngày 2/7, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Tại cuộc họp, UBND thành phố Đà Nẵng đã đưa ra một số kịch bản về 7 loại hình thiên tai chủ yếu: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn gây ngập lụt đô thị, vỡ hồ chứa, sóng thần và các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị hoàn thiện các kịch bản phòng, chống thiên tai; đồng thời, chủ động xây dựng các phương án cụ thể, nhằm kịp thời triển khai trong các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác nạo vét hệ thống thoát nước, cống rãnh trước ngày 31/8, tổ chức cắt tỉa cây xanh, kiểm tra hồ đập chứa nước. Riêng Sở Giao thông vận tải lập phương án bảo vệ an ninh, an toàn giao thông, chốt chặn các tuyến đường và khu vực nguy hiểm do thiên tai gây ra…

Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa thiên tai gây ra trong thời gian tới, giám đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, chủ tịch UBND các quận, huyện tại thành phố cần khẩn trương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai; củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp; chủ động xây dựng, lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, dự án đang thực hiện; tăng cường công tác truyền thông về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức phổ biến, thông tin, triển khai thường xuyên, kịp thời các chỉ đạo, văn bản liên quan của Trung ương và thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm; sẵn sàng phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra thiên tai cực đoan, siêu bão, lũ lớn; đề xuất, xử lý khẩn cấp những sự cố, hư hỏng phát sinh đột xuất có nguy cơ gây mất an toàn công trình và vùng hạ du trước và trong mùa lũ, bão; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; thường xuyên theo dõi quan trắc và cảnh báo kịp thời diễn biến thiên tai đến chính quyền các cấp…/.

Võ Văn Dũng

Tin liên quan

Xem thêm