Với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
TTXVN - Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong tháng 7/2023, Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023, ngành Du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Khách nội địa tháng 7/2023 đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách lưu trú.
Như vậy, tính chung 7 tháng của năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023. Tổng số khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng, nhiều khả năng ngành Du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, ngành còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế cuối năm.
Hàn Quốc vẫn tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng qua với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách), tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ. Trong số 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu của du lịch Việt Nam, khu vực Đông Bắc Á có tới 4 thị trường là Hàn Quốc, Trung Quốc Đài Loan và Nhật Bản. Đông Nam Á có 3 thị trường gồm Thái Lan; Malaysia và Campuchia. Thị trường Australia xếp ở vị trí thứ 9 và Ấn Độ xếp thứ 10..
Với châu Âu thì Anh, Pháp và Đức là các thị trường gửi khách lớn nhất. Trong tháng 7/2023, khách từ châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục. Nhiều thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam đều tăng so với tháng trước như Hàn Quốc (tăng 6%), Trung Quốc (tăng 14%), Mỹ (tăng 7%), Đài Loan (31,3%), Nhật Bản (15%)...
Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sớm nhất là năm 2024, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19. Lượng khách tăng trở lại kèm theo những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị trường du lịch, công nghệ số đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá: Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hằng năm, các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên, tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch và gần một nửa không có ngoại ngữ...
Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong thang năng lực quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn còn thấp. Cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia.
Do đó, nhân lực trong nước có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại sân nhà bởi lao động du lịch từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam làm việc khá nhiều. Do vậy, rất cần nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới.../.