Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị.
TTXVN – Ngày 13/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để thực hiện. Năm 2021, để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo, thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ và Thạch Thất.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị. Riêng năm 2022, tổng số hộ toàn thành phố là 2.090.892 gia đình, trong đó có 88% đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% Tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).
Qua 4 năm thí điểm và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng cũng như ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều điển hình tốt, như gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Thị Tỵ, huyện Đông Anh. Đại gia đình gồm 10 người sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong thôn xóm noi theo…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh khẳng định, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Những kinh nghiệm tại tọa đàm cùng với kinh nghiệm của các cấp cơ sở, đặc là các gia đình sẽ được nhân rộng, lan tỏa, góp phần hữu ích trong xây dựng văn hóa gia đình trên địa bàn Hà Nội, khẳng định bản sắc văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh./.