Quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
TTXVN - Chiều 20/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia “Chủ nghĩa Marx trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh năm 2023, thế giới kỷ niệm 205 năm Ngày sinh và 180 năm Ngày mất của K.Marx và là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý cùng trao đổi, đưa ra những kết quả nghiên cứu nhằm làm rõ hơn, qua đó bổ sung, phát triển làm phong phú thêm chủ nghĩa Marx, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo quản lý trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nêu rõ, Chủ nghĩa Marx do K.Marx và F.Engels xây dựng nên từ những năm 1840 của thế kỷ XIX trong bối cảnh thế giới có những thay đổi lớn lao. Chủ nghĩa Marx ra đời nhằm giải quyết những vấn đề mà lịch sử nhân loại đặt ra, đó là góp phần vào cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột nô dịch trên phạm vi toàn thế giới.
“Với hai phát minh khoa học vĩ đại là quan niệm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, K.Marx đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, gần 180 năm trôi qua, thế giới đã có những biến đổi vô cùng to lớn và sâu sắc. Sự biến đổi này có những điều đã nằm trong dự liệu của K.Marx, như tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của khoa học, tri thức xã hội phổ biến… nhưng cũng có nhiều điều khác biệt so với thời đại mà K.Marx và F.Engels đã sống. Do đó, cần phải có sự nghiên cứu, để bổ sung những chất liệu sống động của thực tiễn vào trong những nguyên lý nền tảng, làm cho chủ nghĩa Marx phù hợp với xu thế biến đổi và phát triển của lịch sử nhân loại.
Tại Việt Nam, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện trong nước. Tuy nhiên, quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nắm vững sâu sắc hơn nữa đồng thời vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích làm sáng tỏ vai trò của chủ nghĩa Marx trong kỷ nguyên toàn cầu hóa; trong đó, tập trung làm rõ những giá trị bền vững, khẳng định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Marx.
Các nhà khoa học phân tích vai trò của chủ nghĩa Marx đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và Việt Nam, qua đó chứng minh sức sống của chủ nghĩa Marx; phân tích rõ bối cảnh mới, yêu cầu bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx, nhất là sự phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như sự vận động biến đổi của đời sống chính trị - xã hội quốc tế, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xác định những nguyên tắc để kiên định và vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx, qua đó chống tư tưởng bảo thủ trì trệ và mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại.
Trên cơ sở đó, một số ý kiến đề xuất những kiến nghị làm cơ sở cho việc nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn chủ nghĩa Marx./.