Không để các điển hình "Dân vận khéo" khép kín, giới hạn trong phạm vi địa phương, đơn vị
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thật sự là các “quyết sách lòng dân”, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
TTXVN - Ngày 10/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức họp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2023); tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023.
Qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Vĩnh Long có 29.545 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng điển hình, mô hình trên nhiều lĩnh vực. Nội dung đăng ký bám sát các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Đảng, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; nhiều mô hình hướng vào giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của đời sống xã hội và nhân dân.
Nổi bật như phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới, với tổng giá trị hơn 234 tỷ đồng. Trong xây dựng đời sống văn hóa, toàn tỉnh hiện có 752/752 ấp, khóm, khu được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 16/20 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”… Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo được khí thế mới, phát huy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 76,1 triệu đồng (tăng 32,7% so năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,44%; có 74/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 27/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 1.005 tập thể, 2.802 cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở các cấp.
Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế nhấn mạnh, quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc, vì lợi ích của nhân dân”, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải luôn thể hiện vai trò nòng cốt, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân chính xác, khoa học; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề xã hội, vấn đề bức xúc trên tất cả các lĩnh vực.
Trong quá trình tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách trên địa bàn, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống nhân dân, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tham mưu ngay từ khâu đầu tiên để phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn ý thức sâu sắc “Dân là gốc”, “Lòng dân là thước đo”, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thật sự là các “quyết sách lòng dân”, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng đẩy mạnh hoạt động về cơ sở, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để động viên, cổ vũ phong trào; tăng cường hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị, không để các điển hình được tuyên dương trở nên khép kín, giới hạn trong phạm vi địa phương, đơn vị.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2021-2023./.