Công an tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, cá nhân thận trọng với các tin nhắn trên không gian mạng, điện thoại để mượn tiền hoặc đề nghị liên quan đến tài sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đề nghị, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, doanh nghiệp, các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng thời tuyên truyền các thủ đoạn, cách phòng tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các đơn vị tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp và người dân về phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các biện pháp phòng ngừa; không tham gia cá cược, đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức, vay tiền trực tuyến qua app cho vay không hợp pháp; không công khai các thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị lợi dụng lừa đảo. Người dân cần cảnh giác những chiêu trò nhận thưởng qua mạng có yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng…; không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.
Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, nhất là những đối tượng không quen biết; cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội… và cảnh giác với nhiều thủ đoạn tinh vi lừa đảo khác.
Các đơn vị xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cá cược, đánh bạc trái phép, vay tiền trực tuyến gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay.
Theo Công an tỉnh Kiên Giang, trong năm 2022, tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng và cuộc sống người dân. Đơn vị chức năng đã phát hiện hai vụ đối tượng giả danh là cán bộ các cơ quan chức năng thông báo điều tra khiến nạn nhân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt; hai vụ đối tượng tạo lập website giả mạo trang thương mại điện tử Shopee, tự xưng là nhân viên Shopee, sử dụng mạng xã hội lôi kéo nạn nhân làm cộng tác viên kinh doanh online, yêu cầu nạp tiền thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trước và được hưởng hoa hồng, khi nạn nhân nạp số tiền lớn thì bị chiếm đoạt); hai vụ đối tượng chiếm quyền tài khoản mạng xã hội, giả mạo chủ tài khoản để nhắn tin mượn tiền rồi chiếm đoạt; ba vụ lôi kéo nạn nhân chuyển khoản đầu tư giao dịch tiền ảo, chứng khoán do các đối tượng tạo lập sau đó gây lỗi để chiếm đoạt tiền… và những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt khác.
Đáng chú ý là trường hợp nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người đánh bạc, người vay tiền qua app… đang công tác, làm việc trong các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Vụ việc cán bộ Văn phòng Huyện ủy Kiên Lương vay tiền qua website (các đối tượng cho vay đã cắt ghép hình ảnh, xúc phạm lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Lương và gia đình người vay để gây áp lực buộc trả nợ); vụ nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Dương (thành phố Phú Quốc) bị các đối tượng giả danh Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt 1,9 tỷ đồng…
Theo Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh khuyến cáo, từng cá nhân thận trọng đối với các tin nhắn sử dụng nền tảng công nghệ trên không gian mạng và điện thoại, trong đó có mạng xã hội (zalo, facebook, viber, telegram…), SMS, email với nội dung mượn tiền hoặc các đề nghị liên quan đến tài sản và quyền lợi khác. Khi nhận được những tin nhắn này, các cá nhân cần gọi điện thoại trực tiếp đến chủ tài khoản nhắn tin để xác nhận và khi chưa xác nhận chính xác, tuyệt đối không gửi tiền theo tin nhắn để phòng, tránh bị lừa đảo./.
- Từ khóa:
- Tội phạm công nghê cao
- Kiên Giang