Giáo dục

Kiên Giang chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới

Về đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ cho năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện 15 dự án đầu tư. Trong đó, có 9 dự án ở 9 trường hoàn thành trong tháng 8/2023 để kịp đưa vào phục vụ ngay từ đầu năm học mới.

Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc vừa được Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá đầu tư xây mới 12 phòng học và sửa chữa, cải tạo 9 phòng học cũ đang xuống cấp. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

TTXVN - Là một trong những tỉnh có số lượng học sinh nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 600 trường học, khoảng 333.000 học sinh/năm. Để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đã chủ động triển khai các mặt công tác.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá đầu tư xây dựng mới 12 phòng học và sửa chữa, cải tạo 9 phòng học cũ đang xuống cấp. Ngay sau khi các phòng được xây dựng, sửa chữa xong, trường đã cho lắp đặt hệ thống camera an ninh, đường truyền internet, wifi đến các phòng để giáo viên khai thác tài liệu phục vụ giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Trọng Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, năm học này, trường có 29 lớp với khoảng 1.200 học sinh, 100% các em được học 2 buổi/ngày, tất cả những lớp học bán trú đều được gắn máy lạnh.

“Tiến độ thi công của nhà thầu chậm hơn so với hợp đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá đã chỉ đạo Ban quản lý xây dựng thành phố kiểm tra, giám sát, yêu cầu đơn vị thi công tăng cường thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ cho kịp đưa vào sử dụng năm học 2023-2024. Đặc biệt, với sự đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà trường đáp ứng tốt điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và sẵn sàng cho năm học mới với nhiều hy vọng tốt đẹp", ông Hưng nói.

Là một trong những ngôi trường thuộc vùng xa ở Kiên Giang với các dãy phòng, khu hiệu bộ xuống cấp nhiều năm, năm học 2023-2024, thầy và trò Trường Trung học phổ thông An Biên, huyện An Biên có thêm niềm vui khi vừa có một dãy gồm 12 phòng học vừa được xây dựng mới. Ngoài ra, một dãy phòng khu hiệu bộ cũng đưa vào sử dụng trong năm học này.

Em Bùi Quỳnh Anh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông An Biên chia sẻ: "Năm học mới này, chúng em được học trong những phòng học mới và các dãy trường được xây mới, sơn sửa lại khang trang hơn tạo cho em cũng như các bạn học sinh của trường niềm tự hào và động lực để nỗ lực học tập và rèn luyện tốt hơn".

Cô Lê Thị Lan, Giáo viên dạy Toán, Trường Trung học phổ thông An Biên cũng phấn khởi cho biết, ngôi trường như ngôi nhà thứ hai của mình, vậy nên khi những dãy phòng được xây mới thay thế cho những phòng học cũ kỹ với đầy đủ các thiết bị, cô cũng như nhiều giáo viên trong trường rất vui mừng.

Một góc Trường Trung học phổ thông An Biên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Theo ông Quách Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông An Biên, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024 cơ bản hoàn tất. Năm học mới, trường có 1.408 học sinh được bố trí ở 33 lớp học gồm 12 lớp 10, 11 lớp 11 và 10 lớp 12. "Các dãy phòng học sinh và khu hiệu bộ vừa hoàn thành đã phục vụ tốt công tác giảng dạy của trường. Hiện tại, chúng tôi đang khẩn trương nâng cấp sân trường để vừa chống ngập nước, vừa đảm bảo tính mỹ quan và công trình sẽ hoàn thành trước ngày khai giảng 5/9 tới đây", ông Hùng thông tin.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở trường học rà soát lại trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Theo đó, các đơn vị phải bổ sung bàn ghế đối với những trường có kế hoạch tăng lớp, sửa chữa bàn ghế ngay sau khi học sinh nghỉ hè để đảm bảo thời gian.

Ngoài ra, các đơn vị trường học sẽ sử dụng các nguồn kinh phí của đơn vị như: nguồn học phí, nguồn dịch vụ, nguồn từ ngân sách nhà nước để sửa chữa phòng học, sơn sửa lại trường.

Riêng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Trong đó, sở hỗ trợ những trường khó khăn, thiếu kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 29 trường với tổng kinh phí 19 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh mua sắm các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị phục vụ cho dạy học như: máy tính, các thiết bị phụ trợ, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Trong đó, có một số thiết bị có giá trị như: 100 tivi màn ảnh lớn, trên 2.200 bộ máy vi tính, đầu tư 30 phòng ứng dụng công nghệ thông tin chuyên dùng cho công tác giảng dạy cho 75 trường học.

Về đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ cho năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện 15 dự án đầu tư. Trong đó, có 9 dự án ở 9 trường hoàn thành trong tháng 8/2023 để đưa vào phục vụ ngay từ đầu năm học mới này. Còn lại 6 dự án sẽ được nghiệm thu trong tháng 10-11/2023 và đưa vào sử dụng ngay sau đó.

"Nhờ sự chủ động của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong công tác rà soát, kiểm tra và tham mưu, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh được thuận lợi.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị luôn bám sát các kế hoạch, các văn bản, quy định của Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt, đối với các dự án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sở chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng", ông Thiều Văn Nam, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Kiên Giang cho biết thêm./.

Tin liên quan

Xem thêm