Giáo dục

Đổi mới phương pháp dạy nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho người học

Quan tâm tới vấn đề xã hội hóa giáo dục, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ ra bất cập khi hiện nay có tình trạng xã hội hóa không đến nơi đến chốn, khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa.

Phó Chủ tich Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cung cấp)

TTXVN - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu dự Hội nghị cùng tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến, qua đó góp phần bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) kiến nghị cần biên soạn một bộ sách giáo khoa chung cho tất cả các môn học. Với chức năng, vai trò của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn gửi tới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các Hội khoa học biên soạn các sách tham khảo theo đúng chương trình phổ thông song vẫn đảm bảo phong phú về nội dung để hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Quan tâm tới vấn đề xã hội hóa giáo dục, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ ra bất cập khi hiện nay có tình trạng xã hội hóa không đến nơi đến chốn, khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa. Một trong những hậu quả của tình trạng này là đã xảy ra một số vụ án liên quan đến sách giáo khoa bị phanh phui, trong đó có sự móc nối giữa người có chức quyền với người làm kinh doanh.

Đóng góp ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, bên cạnh chú trọng giáo dục về kiến thức, cần quan tâm hơn nữa tới việc giáo dục nâng cao phẩm chất, năng lực cho người học, song song với tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển toàn diện về tri thức, nhân cách.

Đồng thời, ông Trần Ngọc Đường bày tỏ băn khoăn về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay: “Tại sao trong nhiều năm nay, số trường học mọc ra như nấm, số cử nhân nhiều vô kể song vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên này vì thiếu trường, chế độ đãi ngộ quá thấp hay lý do nào khác?”.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, cần nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, chống bệnh thành tích trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, phải quan tâm đến chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên, có cơ chế đánh giá chi tiết thông qua năng lực cống hiến để các thầy, cô giáo có thêm động lực tiếp tục gắn bó với nghề.

Bày tỏ cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ, từ đó góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai các hoạt động sắp tới của Bộ.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu đầy đủ, toàn diện các góp ý, sớm hoàn thiện văn bản gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phục vụ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội; đồng thời đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục dành thời gian quan tâm, nghiên cứu, đóng góp thêm nhiều ý kiến giá trị về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm