Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức kiểm tra, lấy hơn 40 mẫu giám sát chất cấm Salbutamol và kháng sinh Choloramphenicol trong nước tiểu, thịt gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ ở địa phương.
TTXVN - Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Để chủ động ngăn ngừa việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 1.700 hộ chăn nuôi bò sữa, gần 32.000 hộ chăn nuôi lợn, hơn 55.000 hộ chăn nuôi gia cầm, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình; 115 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn hình thức gia công cho các công ty, doanh nghiệp. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 6.080,6 tỷ đồng, tăng 5,63% so với năm 2021; trong đó, chăn nuôi lợn, bò, gà là thế mạnh trong phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 764 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 125.000 tấn thịt hơi các loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức kiểm tra, lấy hơn 40 mẫu giám sát chất cấm Salbutamol và kháng sinh Choloramphenicol trong nước tiểu, thịt gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ ở địa phương.
Tuy chưa phát hiện mẫu có chứa Salbutamol và kháng sinh choloramphenicol song tỉnh Vĩnh Phúc nhận định vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động vận chuyển, mua bán thịt gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song song với tuyên truyền, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động chăn nuôi và sản xuất mua bán giống vật nuôi; hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hành nghề thú y, quảng cáo thuốc thú y và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm; khám, chữa bệnh động vật đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; các cơ sở chăn nuôi và sản xuất, mua bán giống vật nuôi trên địa bàn.
Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật có dấu hiệu vi phạm; phối hợp, hỗ trợ các đội quản lý thị trường địa bàn kiểm tra vụ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật khi có đề xuất./.