Văn hóa cồng chiêng, múa xoang được xem như “linh hồn” của các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
(TTXVN) Văn hóa cồng chiêng, múa xoang được xem như “linh hồn” của các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Nhằm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã chú trọng việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học để giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện đại cùng với tác động tiêu cực xã hội đã xâm nhập sâu vào từng thôn, làng, hộ gia đình làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, những người già hiểu biết văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời; lớp trẻ lại tiếp cận nhanh với nhạc hiện đại thay cho cồng chiêng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc cồng chiêng đang dần bị mai một, không có thế hệ kế thừa.
Trước thực trạng đó, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh dạy cồng chiêng tại các trường học thông qua các buổi ngoại khóa, từ đó khơi dậy niềm đam mê văn hóa, nhạc cụ truyền thống trong học sinh; góp phần bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Em Y Sê Ba (lớp 7, Trường Trung học Cơ sở xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) chia sẻ, sinh ra là người con dân tộc nên em ý thức được việc tự hào, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, khi nhà trường đưa vào giảng dạy cồng chiêng, múa xoang tại những buổi ngoại khóa, em luôn tích cực tham gia hoạt động.
Trong mỗi buổi tập cồng chiêng, múa xoang, nhiều trường học đã chủ động phân công giáo viên và mời thêm các nghệ nhân để hướng dẫn, tham gia tập cùng học sinh. Các trường thường tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang tại các buổi chào cờ, tiết mục văn nghệ và biểu diễn địa phương; đồng thời cho học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường để khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum Thái Khắc Hòa chia sẻ, việc lồng ghép dạy học kết hợp với dạy cồng chiêng, múa xoang đã tác động tích cực đến học sinh trên địa bàn thành phố. Hầu hết các em đều yêu thích khi được học về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cộng đồng các dân tộc tại thôn, làng phối hợp nhiệt tình với nhà trường để hướng dẫn học sinh đánh cồng chiêng, múa xoang và các tiết mục hát dân ca.
Đặc biệt, hai năm một lần, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan Cồng chiêng-Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số. Đây là dịp để chắp cánh cho năng khiếu và sở trường của học sinh; tạo cơ hội để các em thể hiện và tự hào hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tại tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi, cơ hội để các em giao lưu văn hóa, khơi dậy niềm đam mê đối với các nhạc cụ truyền thống.
Thông qua chương trình hội diễn, những đội cồng chiêng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, dàn dựng đặc sắc, tái hiện sinh động, chân thực những lễ hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ đó, mang lại cho người xem cái nhìn rõ nét về bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Nổi bật như lễ mừng lúa mới của người Bahnar; lễ Pơ Thi (bỏ mả) của người Gia Rai và lễ cúng nước giọt; hát giao duyên “Yêu nhau”, hát dân ca ru em; hòa tấu đàn T’rưng...
Các hội diễn trong năm 2022 còn ghi nhận số lượng nghệ nhân trẻ tuổi tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca đang dần tăng lên, chiếm trên 60%; một số nghệ nhân lớn tuổi, có người gần 90 tuổi cũng tham dự. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đang được cộng đồng và các địa phương tại Kon Tum phát huy hiệu quả.
Nghệ nhân Ưu tú A Biu (thành phố Kon Tum) bất ngờ và cảm động khi các cháu học từ cấp 1 đến cấp 3 có thể cầm và biểu diễn được cồng chiêng. Các cháu thể hiện rất tốt khả năng cảm âm của chiêng, trống và kết hợp hài hòa với điệu múa xoang tạo nên những màn trình diễn rất đặc sắc. Là một người giữ hồn văn hóa dân tộc Bahnar nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ông A Biu rất mừng vì đã có thế hệ kế cận, tiếp nối phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Đinh Thị Lan, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy tại trường học, nhất là hoạt động giáo dục đặc thù tại các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Phổ thông Dân tộc bán trú, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Từ đó, học sinh sẽ trở thành “tuyên truyền viên” trong việc lan tỏa giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại trường học và buôn làng của mình./.