Các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung phân tích, đánh giá một khách quan những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có hướng khắc phục.
TTXVN - Ngày 29/9, tại thành phố Kon Tum, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ XIII nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong 9 tháng đầu năm 2023. Qua đó, phân tích, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng người đứng đầu và tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những khuyết điểm, hạn chế còn tồn đọng; đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu triển khai quyết liệt để khắc phục khuyết điểm, lãnh đạo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị cần nắm bắt tình hình thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh, để đảm bảo đầu tư xây dựng huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, bổ sung một số nội dung như quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen, Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum…, dẫn đến có sự thay đổi một số chỉ tiêu về đất đai, chỉ tiêu về rừng và chỉ tiêu khác so với nội dung Quy hoạch trước đây. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với nội dung điều chỉnh này để tiếp tục hoàn thiện, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng 6,87%, cao nhất khu vực Tây Nguyên; thu ngân sách Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gần 20.000 tỷ đồng; giải ngân được 1.326,4 tỷ đồng, đạt 35,08% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương giao. Toàn tỉnh có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 25 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; khoảng 98,14% hộ dân tộc thiểu số có đất ở và gần 98% hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung của Hội nghị. Qua thực tiễn tại địa phương, các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung phân tích, đánh giá một khách quan những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có hướng khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị khắc phục ngay tình trạng một số cán bộ, đảng viên làm việc cầm chừng, tinh thần trách nhiệm thấp; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu còn lại của năm 2023, nhất là về giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ phải trực tiếp gặp gỡ người dân để hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi; tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết đối với những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng. Từ đó, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023./.