Lễ hội nhằm ôn lại những trang sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng của Đề Nắm, Đề Thám và các nghĩa quân.
TTXVN - Ngày 16/3 huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc Lễ hội kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2023).
Được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, Lễ hội nhằm ôn lại những trang sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng của Đề Nắm, Đề Thám và các nghĩa quân giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế; đồng thời giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngay từ đầu giờ sáng, tại khu vực diễn ra các hoạt động của lễ hội, người dân từ khắp các nơi đổ về nườm nượp. Sau 3 năm không tổ chức do dịch bệnh, năm nay lễ hội Yên Thế được tổ chức trong 3 ngày (từ 15 đến 17/3), gồm phần lễ và phần hội.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật “Yên Thế - Bản hùng ca bất tử” dài khoảng 60 phút, gồm hai phần: Hào khí Phồn Xương; Yên Thế tự hào và khát vọng. Chương trình tái hiện màn tế cờ của nghĩa quân Đề Thám; ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng chống giặc ngoại xâm của nhân dân Yên Thế cùng khát vọng vươn lên xây dựng quê hương. Các tác phẩm được thể hiện trong chương trình như: Hùm thiêng Yên Thế; Hoàng Hoa Thám; Một dáng cầu vồng; Sắc xuân Yên Thế; Yên Thế non nước xinh; Bắc Giang trên đường đổi mới...
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Giải vô địch võ thuật tỉnh Bắc Giang; Giải bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi; các trò chơi dân gian: kéo co, bắn nỏ, chọi dê; biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ trên thuyền, hát chèo; hội diễn văn nghệ quần chúng; giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản phẩm chủ lực...
Ngoài ra, nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế và các đình, đền, chùa, di tích trên địa bàn huyện sẽ mở cửa đón khách thăm quan.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884 là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân kéo dài ngót 30 năm (1884 - 1913) được đánh giá là lớn nhất, bền bỉ và oanh liệt nhất, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta chống thực dân Pháp trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. 139 năm đã trôi qua, nhưng những dấu tích lịch sử của cuộc khởi nghĩa vẫn còn lưu giữ đậm nét trên mảnh đất Yên Thế anh hùng. Vượt lên trên tất cả ký ức hào hùng của cuộc khởi nghĩa là hình ảnh người thủ lĩnh Đề Thám, luôn được các thế hệ hôm nay nhắc đến với sự ngưỡng mộ, kính trọng và đầy thán phục...
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” là Di tích Quốc gia đặc biệt; ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Những điều này góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Lễ hội Yên Thế nói riêng và văn hóa vùng Yên Thế, Bắc Giang trong nền văn hóa dân tộc Việt nói chung.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã tích cực phấn đấu đưa Yên Thế từ một huyện có khó khăn trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng được củng cố, an ninh được giữ vững.
Trước đó, ngày 15/3, huyện Yên Thế đã tổ chức Lễ tế - Lễ dâng hương trước tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám tại Khu di tích và Lễ phóng sinh tại khu vực sân trước Đình Phồn Xương, hồ sinh thái./.
- Từ khóa:
- Khởi nghĩa Yên Thế
- Đề Thám
- Bắc Giang