Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), tổ chức vào mùng 3-4 tháng Tư âm lịch hàng năm, được các nhà nghiên cứu đánh giá là một hiện tượng văn hóa tiêu biểu không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước.
TTXVN - Dù Hà Nội có tới 1.206 lễ hội truyền thống nhưng không một lễ hội nào hội tụ đủ ba yếu tố tâm linh, đạo đức và pháp luật như Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), tổ chức vào mùng 3-4 tháng Tư âm lịch hàng năm.
Hội thề được các nhà nghiên cứu đánh giá là một hiện tượng văn hóa tiêu biểu không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng, sự lan tỏa của Hội thề chưa cao. Việc làm sống lại hiện tượng thề không chỉ phù hợp với tính thời sự mà còn tạo thành bệ đỡ tinh thần cho xã hội trong điều kiện hiện nay.
Tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng quận Tây Hồ tổ chức ngày 15/3 đã hướng đến vấn đề này.
*Hướng tới Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Hội thề đền Đồng Cổ gắn với tích Vua Lý Thái Tông được thần Đồng Cổ phù giúp dẹp ba vương làm phản, nghiêng theo thể thức của một hội thề non nước, với câu thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt” do chính các quan trong triều đọc.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lễ hội đền Đồng Cổ là lễ hội của triều đình, hướng về nguồn cội, triệt để khai thác sức mạnh niềm tin, sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều và thể chế. Đây là hội thề quốc gia có ý nghĩa hết sức đặc biệt, được Hoàng đế và triều đình dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình và đất nước. Lễ hội sắp được tổ chức tới đây sẽ là lễ hội thứ 995, chỉ còn 5 năm nữa, lễ hội tròn 1.000 năm với kỳ vọng vẫn giữ được các giá trị truyền thống, song sẽ thật sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển, biến đổi của Thủ đô, đất nước và thời đại.
Ngày nay, một số nghi thức đã thay đổi như không còn duy trì nghi thức cắt máu ăn thề và những người đọc lời thề là đoàn thể, nhân dân trong phường Bưởi. Dù vậy, giá trị độc đáo của Hội thề vẫn được ghi nhận. Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng địa phương đã trao đổi, nhận diện giá trị di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và đưa ra một số đề xuất, định hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành với những tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa. Đây cũng là cơ sở hướng đến việc xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Hội thề là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ, Hội thề hiện nay do nhân dân làm chủ, nhưng cần phục hồi ở mức độ cao hơn để bảo vệ tính thời sự của nó. Trước mắt, cơ quan chức năng cần xây dựng hồ sơ ghi danh Lễ hội là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Khi đó, cần tạo kịch bản Lễ hội tổ chức theo từng cấp độ do chính quyền phường, quận hoặc cơ quan cấp cao hơn thực hiện.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất việc xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ. Đây chính là biện pháp bảo vệ và từng bước phục hồi giá trị gốc để phù hợp với tính thời sự hiện nay. Các giá trị về tâm linh, đạo đức và pháp luật là những điểm tựa làm lành mạnh hóa, trong sạch hóa bộ máy quản lý hành chính. Trước kia, các bậc đế vương muốn củng cố vương quyền, tranh thủ sự ủng hộ của dân nên sử dụng “sức mạnh mềm của văn hóa” để thực hiện mong muốn thống nhất, bảo vệ độc lập chủ quyền, củng cố chính vương quyền của mình. Các yếu tố đó đã tạo sự ổn định cho xã hội. Bởi vậy, Hội thề này hoàn toàn xứng đáng là Di sản Văn hóa Quốc gia.
*Hoàn thiện không gian tâm linh cho Hội thề
Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ có giá trị độc đáo nhưng hiện nay, không gian di tích đền Đồng Cổ đang là vấn đề cần đặt ra trong việc thực hành nghi lễ và thờ tự thần Đồng Cổ để xứng đáng với vị thế vốn có. Đền Đồng Cổ vốn là Di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010, vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, Đền nằm gọn trong khu dân cư nên khuôn viên có phần bị giới hạn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, song song với việc xây dựng hồ sơ ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện không gian tâm linh của di tích. Hiện nay, di tích đã khang trang hơn trước nhưng cần có một không gian rộng hơn, hoàn thiện cổng vào đền và giải tỏa khu vực xung quanh để tăng thêm diện tích cho di tích. Vấn đề này quận Tây Hồ hoàn toàn thực hiện được nếu thực sự quyết tâm.
Việc hoàn trả lại không gian di tích nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, kiến trúc đền Đồng Cổ chỉ có một nghi môn và nghi môn hiện có nằm trên trục thần đạo. Cửa ra ngoài đường Thụy Khuê chính là cổng, không thể gọi là nghi môn. Kiến trúc đền Đồng Cổ chỉ là kiến trúc phục vụ cung đình, chưa phải là kiến trúc cung đình nên không thể có nhiều nghi môn. Phương đình khi tu bổ cần làm lại các chi tiết trên mái để đưa về gần hơn với giá trị gốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền đề xuất, các cơ quan chức năng khi muốn tu bổ di tích cần tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn để đảm bảo các giá trị và vị trí vốn có là trọng điểm Di sản của Thăng Long dưới thời Lý.
Việc hoàn thiện không gian tâm linh cho Hội thề chính là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Những đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa được lãnh đạo quận Tây Hồ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản đền Đồng cổ và Hội thề Trung hiếu. Sắp tới, quận Tây Hồ cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ lập kế hoạch từng bước đưa di sản trở lại vị trí của nó./.